Ngày 18/4, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã công bố các số liệu mới nhất cho thấy nước này đang phải hứng chịu đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất kể từ năm 2015 với hàng chục triệu con gia cầm nuôi bị tiêu hủy. Đáng chú ý, dịch cúm gia cầm còn ảnh hưởng đến nhiều loài chim hoang dã ở hầu hết các bang, trong đó có đại bàng đầu trắng. Theo số liệu của USDA, kể từ tháng 2, ít nhất 36 con đại bàng đầu trắng ở 14 bang đã chết do nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 và nhiều đại bàng ở hai bang khác cũng đang bị nghi nhiễm chủng virus này.
Cơ quan Tài nguyên thiên nhiên bang Georgia cho biết xét nghiệm xác 3 con đại bàng đầu trắng tìm thấy ở bang này cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm H5N1. Ngoài đại bàng, bang này cũng phát hiện các loài chim hoang dã khác nhiễm virus như vịt lesser scaup, vịt cánh trắng gadwall và chim bồ câu Mỹ. Chủng H5N1 còn được phát hiện trên đại bàng đầu trắng ở các bang khác như Florida, Kansas, Maine, Minnesota, Nebraska, North Carolina, North Dakota, Ohio, Pennsylvania, South Carolina, South Dakota, Vermont và Wisconsin.
Theo USDA, chim hoang dã có thể bị lây nhiễm cúm gia cầm và không có dấu hiệu mắc bệnh. Những loài chim hoang dã này sau đó có thể mang virus đến các khu vực khác khi di cư và lây nhiễm cho gia cầm trong các trang trại chăn nuôi.
Dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh mẽ đã gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi gia cầm của Mỹ, khiến giá thịt và trứng gia cầm trong nước tăng. Kể từ ngày 3/4, hơn 23 triệu con gia cầm ở các trang trại chăn nuôi thương mại của Mỹ đã bị tiêu hủy, trong đó có gà và gà tây. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết nguy cơ cúm gia cầm lây lan sang người hiện vẫn ở mức thấp.