Căng thẳng Serbia-Kosovo vẫn tiếp tục bất chấp kế hoạch hòa giải chính trị của EU

Serbia và Kosovo đã cáo buộc nhau từ chối ký một kế hoạch do EU tài trợ nhằm bình thường hóa quan hệ sau nhiều tháng căng thẳng chính trị leo thang.

Chú thích ảnh
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (trái), Đại diện cấp cao của EU Josep Borrell và nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti tại cuộc họp ba bên ở Brussels ngày 27/2/2023. Ảnh: EPA-EFE

Serbia và Kosovo đã ngầm chấp thuận một đề xuất của EU nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai bên. Nhưng hiện chưa bên nào chịu ký kết vào thỏa thuận của EU và mọi con mắt đang đổ dồn vào các cuộc đàm phán tiếp theo dự kiến ​​​​diễn ra trong tháng 3 này.

Cụ thể, đầu tuần này, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti đã ngầm chấp thuận kế hoạch của EU nhằm chấm dứt nhiều tháng khủng hoảng chính trị và giúp cải thiện quan hệ song phương.

Phát biểu sau khi tổ chức các cuộc hội đàm tại Brussels giữa Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić và nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell cho biết cả hai bên đã đồng ý “không cần thảo luận thêm” về văn bản do EU đề xuất.

“Hôm nay (27/2) đã đạt được tiến bộ và tôi đánh giá cao các bên vì sự tham gia của họ”, ông Borrell nói với các phóng viên mà không có các nhà lãnh đạo Kosovo và Serbia.

Vòng đàm phán mới nhất diễn ra sau nhiều tháng "ngoại giao con thoi", với các nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết đây là lần đầu tiên cuộc đối thoại chuyển từ quản lý khủng hoảng đơn thuần sang các cuộc thảo luận thực tế về bình thường hóa.

Ông Borrell cho biết các cuộc đàm phán tiếp theo của các nhà lãnh đạo Serbia và Kosovo sẽ được tổ chức vào tháng 3 để quyết định về phụ lục, nghĩa là vạch ra các bước để thực hiện thỏa thuận cuối cùng.

Thỏa thuận do EU đề xuất quy định rằng cả hai bên sẽ tôn trọng độc lập, tự chủ, quyền tự quyết, bảo vệ nhân quyền và không phân biệt đối xử. Hai bên cũng đã đồng ý tăng cường hợp tác trong tương lai về các lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ, giao thông và kết nối, tư pháp và thực thi pháp luật, y tế, thể thao, bảo vệ môi trường.

Cả Serbia và Kosovo đều muốn gia nhập EU, nhưng khối này tuyên bố rằng trước tiên họ cần giải quyết những tranh chấp của mình. Thỏa thuận cũng yêu cầu hai bên không cản trở các bước gia nhập EU của nhau.

Tuy nhiên, các chi tiết của thỏa thuận do EU làm trung gian vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Sau khi cuộc họp hôm 27/2 kết thúc vào tối muộn, cả ông Kurti và Vučić đều đổ lỗi cho nhau vì đã không đạt được tiến bộ theo thỏa thuận.

Tổng thống Serbia đã dội một gáo nước lạnh vào hy vọng thực hiện nhanh chóng thỏa thuận khi nói với truyền thông trong nước rằng ông không thể nhượng bộ và mong đợi "nhiều phiên họp nữa". Tổng thống Vučić nêu rõ: “Thật tốt khi chúng tôi đã nói chuyện và tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thể vượt qua các động thái đơn phương gây nguy hiểm cho sự an toàn của người dân".

Ông Vučić cũng bác bỏ các cuộc đàm phán là “không có gì đặc biệt” và trong khi đồng ý tiếp tục đàm phán, nhà lãnh đạo Serbia nhấn mạnh: “Chúng tôi không có lộ trình. Chúng ta cần ngồi lại và làm việc theo lộ trình”.

Về phần mình, ông Kurti có quan điểm tích cực hơn khi nói rằng phía Kosovo sẽ ký thỏa thuận nếu phía Serbia sẵn sàng làm như vậy.

Ông Kurti phát biểu với các phóng viên tại Brussels: “Thật đáng tiếc là chúng tôi đã không ký thỏa thuận hôm nay mặc dù thực tế là tất cả chúng tôi đều đồng ý. Thỏa thuận hoàn toàn thiết lập sự bình đẳng giữa các bên, tính đối xứng và tình láng giềng tốt đẹp". 

Ông Kurti nói thêm: “Tôi tin rằng chúng tôi đang đi đúng hướng trong việc bình thường hóa quan hệ với Serbia và trên con đường hướng tới quan hệ láng giềng tốt đẹp của châu Âu".

Gần đây, căng thẳng đã bùng lên vì những vấn đề có vẻ nhỏ nhặt như đổi biển số xe, hay việc bắt giữ một sĩ quan cảnh sát người Serbia của Kosovo. Các nước phương Tây đã lo ngại rằng căng thẳng có thể lan rộng thành một cuộc xung đột mới ở Balkan, nổ ra trong bối cảnh giao tranh Nga - Ukraine bước sang năm thứ hai.

Công Thuận/Báo Tin tức (AP/Euractiv)
Thủ tướng Đức: Ukraine 'không khôn ngoan' khi tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây
Thủ tướng Đức: Ukraine 'không khôn ngoan' khi tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây

Theo các bên ký kết cái gọi là “bản tuyên ngôn vì hòa bình”, điều này có nguy cơ dẫn đến “sự trả đũa hạt nhân”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN