Theo tờ Vox, đề xuất này phần nào trái ngược với cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc hỗ trợ vững chắc cho Ukraine. Trong một bài phát biểu tại Warsaw (Ba Lan) ngày 22/2, Tổng thống Biden đã cam kết rằng Ukraine sẽ không bao giờ là một chiến thắng cho Nga.
Trong khi đó, điều lệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đòi hỏi toàn bộ thành viên đồng thuận nhất trí khi thông qua các đề xuất mới. Vì vậy, để đạt được thoả thuận, kế hoạch ba bên của Anh, Đức và Pháp có thể còn phải đi một chặng đường dài nữa.
Ông Liana Fix, một thành viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng liệu hiệp ước phòng thủ kiểu trên có liên quan trực tiếp đến nỗ lực đàm phán thỏa thuận hòa bình hay không vẫn là một câu hỏi quan trọng.
Pháp và Đức đã phần nào không muốn dốc hết sức mình để hỗ trợ Ukraine. Trái với mong muốn của Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẵn sàng giải quyết những lo ngại về an ninh của Nga. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngần ngại gửi xe tăng Leopard 2 tới Ukraine trong một thời gian dài. Hai quốc gia này đi ngược lại với những nỗ lực của NATO nhằm hỗ trợ Ukraine.
Trái lại, lập trường của Anh lại khác hẳn và nước này rất cởi mở trong hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Ông Fix nhận định: “Cho đến nay, Anh có quan điểm gần gũi hơn với các quốc gia Trung và Đông Âu, trong khi Đức và Pháp là những quốc gia luôn nghĩ tới khả năng đàm phán. Vì vậy, có một chút ngạc nhiên khi thấy ba quốc gia đó kết hợp với nhau”.
Theo tờ Wall Street Journal, kế hoạch trên do Thủ tướng Anh Rishi Sunak đề xuất, theo đó ban đầu sẽ để Ukraine tiếp cận vũ khí hiện đại của NATO.
Tăng khả năng tiếp cận kho vũ khí của NATO rõ ràng sẽ là một lợi thế cho Ukraine, nhưng khả năng tiếp cận vũ khí sẽ không đầy đủ nếu đề xuất được thông qua. Theo Wall Street Journal, đề xuất của Đức, Pháp, Anh sẽ không có phần bảo vệ Ukraine theo Điều 5. Nguyên tắc đó của hiến chương NATO quy định rằng các thành viên khác của khối này nhất định phải hỗ trợ một quốc gia thành viên đang bị tấn công, nếu quốc gia đó đưa ra yêu cầu đó. Hiệp ước đề xuất cũng không phải là một lời cam kết đóng quân NATO ở Ukraine.
Việc bảo vệ thông qua Điều 5 đã được các thành viên NATO khác đặc biệt quan tâm. Nếu Ukraine trở thành một phần của NATO và bị Nga tấn công, các quốc gia thành viên sẽ phải bảo vệ Ukraine, có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh trên bộ quy mô lớn, thảm khốc, hoặc tệ hơn là xung đột hạt nhân.
Hiệp ước này phần nào giống như thỏa thuận hiện tại, đó là phương Tây hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong bối cảnh nước này không phải là thành viên NATO.
Nhưng Ukraine đã đăng ký trở thành thành viên NATO và đã tuyên bố ý định phấn đấu để trở thành thành viên NATO trong suốt cuộc xung đột với Nga.
Trong khi đó, một trong những điều khoản đàm phán ban đầu của Nga là Ukraine giữ thái độ trung lập và cam kết không bao giờ gia nhập NATO.
Không rõ liệu hiệp ước được đề xuất có ngăn Ukraine gia nhập liên minh này hay không, mặc dù theo ông Fix, Ukraine chắc chắn sẽ nỗ lực để đảm bảo điều đó không xảy ra.
Theo các quan chức Pháp, Đức và Anh, bối cảnh của kế hoạch được đề xuất nói trên là hứa bảo vệ và cho Ukraine tiếp cận vũ khí với hy vọng rằng những đảm bảo an ninh đó sẽ khuyến khích Ukraine theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.
Nhưng theo nhà báo Jen Kirby của tờ Vox, áp lực cho các cuộc đàm phán dường như đang đến gần.
Ngay bây giờ, phương Tây dường như sẵn sàng cung cấp cho Ukraine những gì họ cần, để nước này tận dụng thời điểm đặc biệt hiện nay. Tuy nhiên, Ukraine khó có thể chiếm lại toàn bộ lãnh thổ trong biên giới được quốc tế công nhận và cuộc chiến này có thể bắt đầu đi vào bế tắc. Nếu điều đó xảy ra, sẽ xuất hiện một kiểu đoàn kết mới của phương Tây: ủng hộ Ukraine nhưng cũng bắt đầu lặng lẽ gây áp lực để Ukraine đàm phán.
Theo ông Fix, hiện chưa rõ hai mục tiêu là trang bị vũ khí cho Ukraine và theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Nga có điều kiện liên kết với nhau ở mức độ nào. Ông Fix nói: “Có thể hai vấn đề này được thảo luận cùng một lúc, nhưng tôi sẽ thấy khó khăn nếu có sự liên kết và tôi thấy khó tin rằng mối liên kết sẽ là Ukraine chỉ nhận được hỗ trợ quốc phòng và an ninh bổ sung nếu đồng ý để đàm phán”. Thay vào đó, có thể hiệp ước phòng thủ là một phương tiện để kiểm tra tình hình và xác định mong muốn đàm phán.
Dù vậy, Ukraine ít có xu hướng mong muốn tham gia đàm phán hơn so với một năm trước. Tổng thống Ukraine Volodymur Zelensky đã từng sẵn sàng hy sinh Crimea để chấm dứt giao tranh, nhưng giờ đây, quân đội Ukraine đang lên kế hoạch lấy lại Crimea – bán đảo vốn nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ năm 2014.