Ông Gerald Butts - vốn được đánh giá là một trong những "kiến trúc sư" quan trọng trong chiến thắng của Thủ tướng Trudeau năm 2015, đã từ chức vào tháng trước do không muốn trở thành "người cản đường" trong bối cảnh chính quyền của Thủ tướng Trudeau sẽ phải đối mặt với cuộc tổng tuyển cử khó khăn dự kiến vào tháng 10 tới.
Phát biểu tại phiên điều trần, ông đã bác bỏ các cáo buộc mà cựu Bộ trưởng Tư pháp Jody Wilson-Raybould đưa ra rằng các quan chức chính phủ đã gây sức ép một cách “không thích hợp” với bà nhằm hỗ trợ SNC-Lavalin không phải ra tòa với cáo buộc hối lộ. Ông Gerald Butts cho biết đã có 10 cuộc họp và 10 cuộc điện thoại về vấn đề này, trong đó có 1 cuộc trao đổi ngắn trực tiếp giữa ông với cựu Bộ trưởng Tư pháp Wilson-Raybould vào ngày 5/12/2018. Tuy nhiên, ông khẳng định "không có bất kỳ điều gì vượt ra ngoài khuôn khổ hoạt động bình thường của chính phủ".
Sóng gió đã nổi lên trên chính trường Canada sau khi tờ Globe and Mail dẫn nguồn tin giấu tên cho hay người từng đứng đầu cơ quan tư pháp Canada, bà Wilson-Raybould, đã phải chịu sức ép từ Văn phòng Thủ tướng Trudeau trong vụ truy tố SNC-Lavalin. Tập đoàn có trụ sở tại Montreal này bị buộc tội hối lộ các quan chức Libya trong giai đoạn 2001 - 2011 để đổi lấy các hợp đồng. SNC-Lavalin muốn được nộp phạt để tránh phải hầu tòa.
Theo nguồn tin này, sau khi bà Wilson-Raybould - trên cương vị Bộ trưởng Tư pháp - đã từ chối “chỉ đạo” của Văn phòng Thủ tướng, muốn bà dàn xếp để vụ việc liên quan đến SNC-Lavalin không cần tòa án phân xử. Sau đó, bà đã bị điều chuyển sang đảm nhiệm chức Bộ trưởng Các vấn đề về cựu chiến binh. Tuy nhiên, bà Wilson-Raybould đã từ chức hôm 12/2, sau chưa đầy một tháng ở cương vị mới. Ngày 4/3, bà Jane Philpott, một chính khách đang nổi lên trong nội các của Thủ tướng Trudeau, cũng đã quyết định từ chức Chủ tịch Ủy ban Ngân khố, với tuyên bố mất niềm tin vào chính phủ.
Thủ tướng Trudeau đã bác bỏ mọi cáo buộc. Ông thừa nhận có nêu vấn đề này với bà Wilson-Raybould, song đã nói rõ rằng bà sẽ là người chịu trách nhiệm mọi quyết định liên quan. Nhiều bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Trudeau cũng đã lên tiếng bênh vực ông. Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nêu rõ “Thủ tướng không bao giờ gây sức ép một cách không thích hợp” và khẳng định bà “tin tưởng Thủ tướng Trudeau 100%”. Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau cho rằng “hoàn toàn hợp lý” khi các quan chức của bộ này thảo luận với các nhân viên của Bộ trưởng Tư pháp về những tác động kinh tế theo sau quyết định của Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ đảng Tự do chỉ trích về việc Văn phòng Thủ tướng đã phản ứng quá chậm trong vụ bê bối SNC-Lavalin, khi cựu Bộ trưởng Tư pháp cho rằng bà và các nhân viên của bộ đã phải hứng chịu sức ép liên tục trong vụ truy tố SNC-Lavalin. Trước phản ứng của dư luận, người phát ngôn của Thủ tướng Canada Eleanore Catenaro cho biết Thủ tướng Trudeau dự kiến sẽ trả lời trực tiếp báo giới về vấn đề này trong ngày 7/3.
Theo khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu Nanos, 1/4 số người Canada cho biết vụ bê bối SNC-Lavalin sẽ ảnh hưởng đến quyết định của họ trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới. Đáng chú ý, uy tín của cá nhân Thủ tướng Trudeau đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau buổi điều trần của cựu Bộ trưởng Tư pháp Wilson-Raybould. Tính đến ngày 1/3, chỉ 10% số người Canada cho rằng Thủ tướng Trudeau là nhà lãnh đạo có đạo đức nhất. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ lãnh đạo đảng Xanh, bà Elizabeth May, là 28%.