Loại vaccine hai liều này, với 100 microgram/liều, đã được phê duyệt sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên. Phiên bản dành cho trẻ em từ 6-11 tuổi là hai liều, với 50 microgram/liều.
Trong tháng trước, Bộ Y tế Canada đã cấp phép sử dụng đối với Covifenz - một loại vaccine phòng COVID-19 do hãng công nghệ sinh học Medicago sản xuất tại Canada. Covifenz có nguồn gốc từ thực vật, được phép sử dụng cho những người từ 18 đến 64 tuổi. Medicago cũng đã nộp đơn xin giấy phép sử dụng khẩn cấp thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, Tiến sĩ Mariangela Simo, trợ lý Tổng giám đốc của WHO về tiếp cận thuốc, vaccine và dược phẩm, cho biết WHO có các chính sách nghiêm ngặt về việc hợp tác với các công ty thuốc lá và các nhà sản xuất vũ khí. Trong khi đó, Medicago - công ty có trụ sở tại Quebec - được sở hữu một phần bởi nhà sản xuất thuốc lá Philip Morris International. WHO cho biết tổ chức này dự kiến sẽ không chấp thuận vaccine phòng COVID-19 của Medicago vì mối quan hệ của Medicago với công ty thuốc lá.
Canada đã lên kế hoạch tặng lượng vaccine dôi dư cho các nước thu nhập thấp thông qua COVAX - cơ chế bảo đảm tiếp cận vaccine trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, COVAX chỉ có thể sử dụng vaccine được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp, vì vậy việc Medicago bị từ chối có thể hạn chế việc sử dụng vaccine này trên thế giới.
Vaccine của Medicago sử dụng công nghệ không liên quan đến các sản phẩm động vật hoặc virus sống như các phương pháp truyền thống. Nó sử dụng công nghệ tái tổ hợp, với thực vật sống là vật chủ. Quy trình do Medicago phát triển sử dụng loài thực vật nicotiana benthamiana, một họ hàng gần của cây thuốc lá được sử dụng để phát triển dược phẩm.
Canada đã đầu tư 173 triệu CAD vào Medicago vào năm 2020 để hỗ trợ phát triển vaccine Covifenz và giúp Medicago mở rộng cơ sở sản xuất tại Quebec. Cho đến thời điểm hiện nay, Canada gần như chỉ dựa vào vaccine công nghệ mRNA của Pfizer-BioNTech và Moderna cho chương trình tiêm chủng của mình.