Liều tăng cường được thiết kế để giúp những người đã tiêm 2 mũi vaccine duy trì khả năng được bảo vệ chống lại virus SARS-CoV-2 theo thời gian.
Liều tiêm nhắc lại giống với liều vaccine Pfizer-BioNTech thông thường và phải được tiêm ít nhất 6 tháng sau 2 mũi đầu. Các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy các tác dụng phụ của liều tăng cường này hầu như giống với những tác dụng phụ khi tiêm 2 liều vaccine ban đầu. Đánh giá của Bộ Y tế Canada cho thấy liều tăng cường vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech đáp ứng các yêu cầu về an toàn, hiệu quả và chất lượng của cơ quan quản lý.
Trước khi Bộ Y tế Canada đưa ra quyết định trên, một số tỉnh tại Canada đã triển khai các chiến lược khác nhau đối với liều tăng cường và vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA như Pfizer-BioNTech đã được sử dụng để bảo vệ lâu dài hơn cho những người có nguy cơ cao ở một số vùng của đất nước. Cho đến nay, hầu hết các liều tăng cường đều được sử dụng cho người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, những người sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn, cộng đồng thổ dân và nhân viên y tế tuyến đầu.
Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng (NACI) cũng đã khuyến nghị tiêm nhắc lại cho những người đã nhận hai liều vaccine của Oxford-AstraZeneca hoặc một liều vaccine Janssen, vì có bằng chứng về khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian.
Tỉnh Ontario đang hướng tới mục tiêu đầu năm 2022 mở rộng tiêm liều tăng cường cho tất cả người lớn. Các quan chức của tỉnh này vẫn lưu ý rằng hai liều vaccine cung cấp sự bảo vệ rất tốt đối với COVID-19, đặc biệt là chống lại nguy cơ mắc bệnh nặng.
Hãng Moderna cũng đã nộp đơn lên Bộ Y tế Canada để xin phê duyệt mũi tiêm tăng cường vaccine COVID-19 của mình, sử dụng một lượng vaccine nhỏ hơn so với hai liều đầu tiên.
Theo thống kê, tổng số ca mắc COVID-19 tại Canada đã vượt 1, 7 triệu, trong đó có trên 29.000 trường hợp tử vong.