Tại Tây Ban Nha, các trực thăng được huy động thả bom nước xuống các vùng bị lửa bao trùm vì nhiệt độ cao khắc nghiệt và địa hình đồi núi hiểm trở khiến các đội cứu hỏa không thể tiếp cận hiện trường để dập lửa.
Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia (AEMET) ban hành cảnh báo nhiệt độ cao tại nhiều khu vực trong ngày 17/7, trong đó các vùng như Aragon, Navarra và La Rioja ở miền Bắc có thể ghi nhận mức nhiệt lên tới 42 độ C. AEMET dự báo đợt sóng nhiệt sẽ chấm dứt từ ngày 18/7 nhưng cảnh báo nhiệt độ sẽ vẫn ở các mức cao bất thường.
Tây Ban Nha đã trải qua gần một tuần nắng nóng với nhiệt độ có lúc lên tới 45,7 độ C. Ở tỉnh Malaga, các đám cháy rừng vẫn tiếp diễn xuyên đêm 16/7, ảnh hưởng đến người dân địa phương ở thị trấn Mijas lân cận, một địa điểm du lịch yêu thích khách Bắc Âu .
Tại Bồ Đào Nha, nhiệt độ đã bắt đầu giảm vào cuối tuần và tính đến ngày 17/7 chỉ còn 2 đám cháy chưa được dập tắt, đều ở miền Bắc nước này. Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha cho biết trong 7 ngày qua đã có 659 người thiệt mạng vì nắng nóng, hầu hết là người cao tuổi. Đỉnh điểm là ngày 14/7, có tới 440 người thiệt mạng khi nhiệt độ vượt 40 độ C ở một số vùng trong khi nhiệt độ đo được ở trạm khí tượng thuộc quận Vizeu ở miền Trung lên tới 47 độ C.
Tại Hy Lạp, lực lượng cứu hỏa ngày 16/7 cho biết có 71 đám cháy bùng phát trong vòng 24 giờ. Ngày 17/7, hơn 150 lính cứu hỏa đã được huy động dập đám cháy rừng và nông trại xảy ra ở Rethymno trên đảo Crete từ ngày 15/7.
Gió to khiến các đám cháy rừng mạnh lên và đến ngày 17/7, lực lượng cứu hỏa mới chỉ kiểm soát được một phần đám cháy. Giới chức miền Nam nước Pháp cho biết vẫn đang nỗ lực tìm cách khống chế các đám cháy rừng đã khiến hàng nghìn người phải sở tán.
Trong khi đó, tại Anh, cơ quan dự báo thời tiết quốc gia đã ban hành cảnh báo đỏ đầu tiên về nắng nóng đỉnh điểm tại nhiều vùng ở xứ England xảy ra trong các ngày 18 - 19/7, dự báo nhiệt độ có thể lên 40 độ C, cao hơn mức kỷ lục 38,7 độ C từng ghi nhận năm 2019.