Theo thỏa thuận ngừng bắn Stockholm, việc rút quân sẽ được tiến hành trong vòng hai tuần sau khi ngừng bắn có hiệu lực ngày 18/12/2018, song hạn chót này đã bị bỏ lỡ.
Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn mong manh này đánh dấu bước đầu tiên hướng tới việc chấm dứt cuộc chiến đẫm máu gần 4 năm qua làm trên 10.000 người thiệt mạng và đẩy quốc gia Trung Đông này vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới.
Tuyên bố của LHQ cho biết thỏa thuận rút quân giai đoạn đầu đã đạt được tại vòng đàm phán thứ 4, diễn ra trong hai ngày (16 - 17/2) vừa qua ở Hodeidah. Hai bên cũng đã nhất trí nguyên tắc cho giai đoạn hai.
Tuyên bố nêu rõ: "Sau các cuộc thảo luận dài mang tính xây dựng, các bên đã đạt một thỏa thuận Giai đoạn 1 về việc cùng nhau tái bố trí lực lượng".
Tuyên bố đánh giá "các bên cũng đã đạt tiến bộ quan trọng trong việc lên kế hoạch cho việc tái bố trí lực lượng", song không ấn định thời điểm phi quân sự hóa. Cũng tại vòng đàm phán trên, các bên đã nhất trí tiến hành vòng đàm phán tiếp theo trong vòng một tuần tới nhằm cụ thể hóa việc rút quân giai đoạn hai.
Trong giai đoạn đầu, hai bên sẽ rút lực lượng của mình khỏi các cảng ở Hodeidah, Saleef, Ras Issa, và nhiều nơi khác trong thành phố có các cơ sở nhân đạo đang hoạt động.
Cảng Hodeidah bên bờ Biển Đỏ là cửa ngõ cho các hoạt động nhập khẩu hàng hóa và đưa hàng cứu trợ vào Yemen. LHQ hy vọng giảm xung đột tại Hodeidah sẽ cho phép viện trợ lương thực và thuốc men đến hàng triệu người dân đang rất cần trợ giúp.
Bên cạnh đó, LHQ cũng làm trung gian cho một loạt cuộc đàm phán riêng rẽ khác về việc trao đổi hàng nghìn tù nhân, coi đây là một biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng trong tiến trình hòa bình.