Các nước ủng hộ đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân

Ngày 27/10, Ủy ban thứ nhất về giải trừ quân bị của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐLHQ) đã thông qua một dự thảo nghị quyết mới kêu gọi các nước bắt đầu đàm phán về việc cấm vũ khí hạt nhân.

Dự thảo trên do Australia, Ireland, Mexico, Nigeria, Nam Phi và Brazil soạn thảo, đã được thông qua với 123 phiếu thuận, 38 phiếu chống và 16 phiếu trắng. Nội dung nghị quyết bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hậu quả thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân đối với con người. Với văn kiện không mang tính ràng buộc pháp lý này, từ tháng năm tới, các nước sẽ có thể bắt đầu tiến hành đàm phán một hiệp ước mới.

Một chuyên gia Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc phân tích các dư chấn đo được sau vụ nổ được cho là vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, tại Seoul ngày 9/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều tuần trước đó, công tác vận động thông qua nghị quyết đã gặp nhiều khó khăn khi một số cường quốc hạt nhân, đặc biệt là Mỹ, đã gây áp lực buộc các nước đồng minh bỏ phiếu chống lại văn kiện này.

Có tới 4 trong tổng số 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu chống, trong khi nước còn lại Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Ấn Độ và Pakistan cũng lựa chọn là phiếu trắng. Các nước phản đối nghị quyết cho rằng việc giải trừ vũ khí hạt nhân cần được thực hiện trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về Hiệp định Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Nhật Bản, từ lâu đã phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nằm trong số các nước bỏ phiếu chống lại bản dự thảo nghị quyết này. Cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản đang phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông qua bản dự thảo nghị quyết, các nhà hoạt động ủng hộ Chiến dịch Quốc tế nhằm xóa bỏ vũ khí hạt nhân khẳng định sự kiện này có ý nghĩa lịch sử trong cuộc chiến kéo dài nhiều thế kỷ qua vì một thế giới không hạt nhân.

Hiệp ước này sẽ không ngay lập tức loại trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân, nhưng nó giúp tạo ra những chuẩn mực pháp lý mới có sức mạnh buộc các nước phải có hành động để giải trừ vũ khí hạt nhân.


Dự kiến, dự thảo nghị quyết này sẽ được bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của ĐHĐ LHQ vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12.

Cùng ngày, Ủy ban thứ nhất về giải trừ quân bị của ĐHĐ LHQ cũng đã thông qua nghị quyết do Nhật Bản đề xuất về việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Đây là lần thứ 23 nghị quyết này nhận được sự ủng hộ từ phần lớn các nước thành viên. Trung Quốc đã lần thứ hai bỏ phiếu chống lại nghị quyết trên khi cho rằng Tokyo sử dụng những người sống sót trong hai vụ nổ bom hạt nhân ở Nhật Bản để coi nước này là một nạn nhân của Chiến tranh thế giới thứ 2.


TTXVN/Tin Tức
Mỹ sẽ đáp trả "áp đảo" nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân
Mỹ sẽ đáp trả "áp đảo" nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã chỉ trích vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, đồng thời cam kết sẽ đáp trả "áp đảo" nếu Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN