Lễ ra mắt Nhóm bạn bè của UNCLOS đã được tổ chức ngày 30/6 tại trụ sở LHQ ở New York với sự tham dự của Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề pháp lý kiêm Cố vấn pháp lý của LHQ Miguel de Serpa Soares và đại diện 96 nước thành viên LHQ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại trụ sở LHQ bên lề sự kiện này, Đại sứ Christoph Heusgen, Trưởng phái đoàn Đức tại LHQ; Đại sứ Bob Rae, Trưởng phái đoàn Canada tại LHQ đều khẳng định ý nghĩa của sáng kiến này.
Đại sứ Christoph Heusgen, Trưởng phái đoàn Đức tại LHQ bày tỏ vinh dự khi Đức đồng khởi xướng ý tưởng này với Việt Nam. Ông cho biết: “Tôi và Đại sứ Việt Nam Đặng Đình Quý đã thảo luận rất nhiều tại Hội đồng Bảo an về luật biển, về những tranh chấp trên biển và chúng tôi đã nghĩ tới việc thành lập Nhóm bạn bè của UNCLOS này; chứng kiến sự kiện ngày hôm nay ai cũng có thể thấy rất nhiều nước đã tham gia, rất nhiều đại sứ tỏ rõ cam kết đóng góp cho UNCLOS một cách hòa bình, cam kết hành động dựa trên luật lệ và đây chính là điều chúng tôi trông đợi”.
Ông khẳng định: “Nhóm bạn bè của UNCLOS không phải là tổ chức có quyền ra quyết định mang tính ràng buộc pháp lý như HĐBA, nhưng sẽ tạo diễn đàn để đại sứ đại diện các nước có thể thảo luận cởi mở vấn đề luật biển, thu hẹp bất đồng, hiểu nhau hơn, đồng thời mỗi thành viên có thể đưa những vấn đề hóc búa liên quan tới biển, đại dương ở khu vực của mình ra để thảo luận, tham vấn.
Với Đức và tôi nghĩ với Việt Nam cũng vậy, khi có tranh chấp xung đột thì chúng ta tìm cách giải quyết dựa trên luật lệ và UNCLOS là một phần quan trọng trong luật pháp và trật tự quốc tế, là cơ sở luật pháp cho các nước để thực hiện các quyền lợi và trách nhiệm trên biển... Tôi nghĩ các nước quan tâm tới trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Có rất nhiều nước nhỏ tham gia nhóm Bạn bè của UNCLOS bởi trong trường hợp xảy ra tranh chấp xung đột thì họ phải dựa vào luật lệ quốc tế đã được thế giới công nhận chứ không phải luật của kẻ mạnh”.
Trong khi đó, Đại sứ Bob Rae, Trưởng phái đoàn Canada tại LHQ cho biết: “Canada muốn tham gia vào nhóm bạn bè UNCLOS 1982 bởi sức sống của đại dương phụ thuộc vào chúng ta, bởi đại dương không thể tự lên tiếng. Tôi cho rằng sự kiện này là ví dụ điển hình cho thấy chúng ta đã cùng nhau hướng tới điều tốt đẹp chung, cùng nhau ứng phó với sự đe dọa của biến đổi khí hậu. Hơn nữa, một số nước cho rằng đại dương thuộc về họ nhưng thực ra đại dương là của chung tất cả mọi người. Chính vì vậy, chúng ta cần có trách nhiệm bảo vệ đại dương”.