Việt Nam khẳng định quan điểm tại hội nghị các nước thành viên UNCLOS 1982

Từ ngày 21-25/6, Hội nghị lần thứ 31 Các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Mỹ. 

Chú thích ảnh
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN phát

Hội nghị xem xét báo cáo của các cơ quan thành lập theo công ước như Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, Cơ quan Quyền lực đáy đại dương và các vấn đề thủ tục, ngân sách, nhân sự của các cơ quan này. Hội nghị quyết định kéo dài nhiệm kỳ của các thành viên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa thêm một năm do tác động của đại dịch COVID-19. 

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, tại phiên thảo luận ngày 23/6 về Báo cáo của Tổng Thư ký LHQ về các vấn đề liên quan đến biển và đại dương, hoạt động của các cơ quan LHQ và hợp tác quốc tế trong năm qua, các ý kiến nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ thực hiện UNCLOS 1982, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực biển và đại dương, ứng phó với các thách thức như ô nhiễm môi trường biển, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, đóng góp vào thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 14 liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững biển và đại dương. 

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, tái khẳng định UNCLOS 1982 là khuôn khổ toàn diện điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, góp phần vào việc bảo đảm an toàn, an ninh, tự do hàng hải, duy trì hoà bình và an ninh quốc tế và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. 

Đại sứ Đặng Đình Quý thông tin về các nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy đàm phán phân định biển với các nước trong khu vực, bảo vệ môi trường biển, hợp tác song phương và đa phương trong duy trì an ninh biển, chống nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không được quy định và không được điều chỉnh, phát triển kinh tế biển.

Liên quan đến tình hình Biển Đông, Đại sứ Đặng Đình Quý nêu rõ Biển Đông là tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng, việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải tại Biển Đông có ý nghĩa thiết yếu với hoà bình, phát triển của khu vực và quốc tế. Đại sứ tái khẳng định mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ và UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Đại sứ bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không quân sự hóa hoặc tiến hành các hoạt động làm phức tạp tình hình, gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có nội dung thực chất và có hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

UNCLOS 1982 có hiệu lực kể từ ngày 16/11/1994, đã được 168 nước và tổ chức quốc tế phê chuẩn và 14 quốc gia khác ký nhưng chưa phê chuẩn.

Hải Vân- Hữu Thanh (TTXVN)
Philippines kêu gọi ASEAN duy trì UNCLOS, đẩy nhanh tiến độ đàm phán COC
Philippines kêu gọi ASEAN duy trì UNCLOS, đẩy nhanh tiến độ đàm phán COC

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần duy trì Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 như một khung pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN