Các nước háo hức mở cửa biên giới mùa du lịch khi bệnh dịch tạm lắng

Các quốc gia phụ thuộc vào ngành du lịch đang ra sức chạy đua mở cửa biên giới và và hồi sinh các nền kinh tế bị tàn phá do đại dịch.

Chú thích ảnh
Khách du lịch nghỉ mát tại bãi biển Nissi Đông Nam Ayia Napa, đảo Síp ngày 22/5. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới ước tính ngành du lịch toàn cầu đã thiệt hại gần 4.500 tỷ USD và 62 triệu việc làm trong năm ngoái. Chỉ riêng các hãng hàng không cũng đã thiệt hại 126 tỷ USD và tiếp tục mất thêm 48 tỷ USD trong năm nay.

Việc triển khai các chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 đang đem đến các quan chức chính phủ ở nhiều quốc gia niềm tin mới trong việc chào đón du khách. Tuy nhiên, thời điểm là rất quan trọng.

Virginia Messina, người đứng đầu Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, giải thích: “Mùa hè là một mùa mà phần lớn các thị trường du lịch phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là đối với châu Âu và Vương quốc Anh”.

Tuy nhiên, cuộc đua đón khách du lịch dường như đang gặp thách thức trước sự đa dạng của những quy tắc phòng dịch tại mỗi nước. Những quy định rời rạc, không thống nhất đã khiến cho nhiều du khách e dè khi phải lên lịch cho một chuyến đi xa. Ví dụ, đảo Síp đặt ra những hạn chế đối với các quốc gia được coi là có rủi ro cao hơn, yêu cầu du khách những nước đó đến phải có chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính có giá trị 72 giờ trước khi khởi hành và tiếp tục xét nghiệm khi đến nơi. Họ cũng phải tự cách ly ở Síp cho đến khi có kết quả xét nghiệm.

Constantinos Victoras - Tổng giám đốc khách sạn NissiBlu gần bãi biển Ayia Napa – cho hay mặc dù tỷ lệ các ca mắc ở Síp đã giảm đáng kể trong hai tuần qua nhưng phải đến cuối tháng 6, tình hình mới trở nên rõ ràng để các nhà điều hành lữ hành và các hãng hàng tăng số lượng tiếp nhận khách. “Hiện tại mọi thứ vẫn còn quá mơ hồ”, Tổng giám đốc Victoras nói.

Châu Âu

Chú thích ảnh
Nhân viên xếp ghế và căng bạt trên bãi biển chuẩn bị đón du khách tới đảo Naxos (Hy Lạp). Ảnh: AP

Việc châu Âu đang chầm chầm mở cửa lại biên giới đã thử thách sự kiên nhẫn của các quốc gia Địa Trung Hải vốn dĩ phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù tuần trước các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cho phép những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc đến từ danh sách các quốc gia được coi là an toàn vào châu Âu song ngày áp dụng chính sách sẽ phải phụ thuộc vào từng quốc gia.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 21/5 thông báo sẽ cho phép du khách Anh và Nhật Bản được tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh vào nước này từ ngày 24/5 và những người từ các nước khác, bao gồm Mỹ, từ ngày 7/6.

Khách du lịch đã bắt đầu xuất hiện ở Hy Lạp sau khi trong tháng 5, giới chức nước này quyết định chấp nhận giấy chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm từ các quốc gia EU và 21 quốc gia khác.

Trên đảo Naxos (Hy Lạp), các chủ quán rượu ven biển đã bắt đầu lôi bàn ghế ra khỏi kho và cọ rửa sàn gỗ, chuẩn bị đón du khách. “Ngườid ân ở đây rất lạc quan và thực sự đã có rất nhiều du khách đặt phòng trong hai tuần qua,” Thị trưởng Naxos Dimitris Lianos chia sẻ.

Croatia - một trong số ít địa điểm ở châu Âu mà người Mỹ dễ dàng ghé thăm - cũng đã mở cửa trở lại. Hai hãng hàng không Delta Air Lines và United Airlines thông báo mở các chuyến bay thẳng từ New York đến Dubrovnik vào mùa Hè này.

Châu Á

Tại châu Á, tình hình COVID-19 đang nóng trở lại, khiến một vài quốc gia có phần dè dặt và thận trọng khi thực hiện chính sách tái mở cửa.

Ngày 26/5, “bong bóng du lịch” Singapore-Hong Kong lần thứ ba “lỗi hẹn”do sự phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19. Thậm chí, hai nước này còn kéo dài thời gian cách ly đối với những người nước ngoài chưa tiêm vaccine lên tới 21 ngày.

Tại Liêu Ninh (Trung Quốc), giới chức lập ra các trạm kiểm soát ở sân bay, ga tàu hỏa do tỉnh này chứng kiến số ca mắc mới đáng kể trong tháng này. Du khách khi đến đây cũng phải có giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Mở cửa biên giới chưa được nửa năm, ngành du lịch Thái Lan tiếp tục chững lại vì dịch COVID-19 tái bùng phát. Ảnh: AFP

Thái Lan, quốc gia đã đóng cửa biên giới và thành công kiểm soát làn sóng COVID-19 thứ nhất, dần dần bắt đầu cho phép một số du khách nước ngoài nhập cảnh vào mùa Thu năm ngoái. Tuy nhiên, khi làn sóng COVID-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 3 năm nay, Thái Lan phải tạm dừng các kế hoạch.
Bangkok đóng cửa các địa điểm vui chơi giải trí và công viên, yêu cầu nhiều người làm việc tại nhà và cấm ăn uống ngoài trời. Đường phố ở thủ đô và nhiều khu nghỉ dưỡng của Thái Lan gần như vắng bóng người, trong khi người lao động ngành du lịch lại rơi vào cảnh thất nghiệp.

Trung Đông và châu Phi

Vào thời điểm đỉnh dịch năm ngoái, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ra lệnh đóng cửa biên giớ và các sân bay đối với du khách nước ngoài. Tuy nhiên, từ tháng 7, Dubai đã mở cửa đón khách du lịch. Dubai đang là điểm đến được nhiều du khách châu Âu ưa chuộng sau hơn 1 năm bị “bó chân” vì các lệnh phong tỏa. Mặc dù quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn được áp dụng song Dubai đã cho mở cửa trở lại bãi biển, quán bar, khách sạn, nhà hàng, rạp chiếu phim, công viên giải trí và spa.

Chú thích ảnh
Du khách và người dân thưởng thức hoàng hôn ở bãi biển Jumeirah, Dubai. Ảnh: AP

Ngược lại, quốc gia láng giềng Saudi Arabia vẫn chưa cho phép khách du lịch nhập cảnh. Đối với những công dân Saudi, họ được phép ra nước ngoài bắt đầu từ tháng này nếu như đã tiêm chủng đầy đủ hoặc khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19.

Tại châu Phi, Ai Cập đang tìm cách thu hút nhiều du khách hơn ngay cả khi quốc gia này đang vật lộn với làn sóng COVID-19 mới. Chính phủ nước này đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với bãi biển, quán café, khách sạn và công viên. Thậm chí Ai Cập còn hạ chi phí xin thị thực đối với du khách quốc tế. Tuy nhiên, nước này vẫn yêu cầu du khách trình giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 khi tới đây.

Mỹ Latinh và Caribe

Số lượng du khách đến các vùng biển Caribe trong năm ngoái đã giảm 2/3 xuống mức chưa từng thấy kể từ những năm 1980. Bermuda là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức giảm 84%.

Một số hòn đảo bao gồm Bonaire, Martinique và Montserrat, vẫn cấm khách du lịch ở hầu hết các quốc gia. Trong khi đó, một số hòn đảo bao gồm St. Vincent và Grenadines đã tạo ra các “khu nghỉ dưỡng bong bóng” để thu hút khách du lịch. Các hãng du thuyền cũng lên kế hoạch các tour từ Mỹ đến các cảng Caribe vào mùa Hè.

Chú thích ảnh
Không bị hạn chế do các quy định kiểm dịch, lượng du khách tới Mexico vẫn duy trì mức ổn định. Ảnh: AFP

Về phần mình, Mexico không hạn chế chuyến bay, không yêu cầu du khách xét nghiệm hoặc cách ly khi nhập cảnh. Điều này đã khiến lượng khách du lịch mặc dù giảm nhưng duy trì mức ổn định, đặc biệt là tại các điểm du lịch biển.

Tuy nhiên, chính sách cho phép tiếp cận thoải mái của Mexico đã tạo ra làn sóng phản ứng dữ dội ở bang Quintana Roo, bờ biển Caribe - nơi ngành du lịch đóng góp 87% cho nền kinh tế địa phương khi tỷ lệ các mắc COVID-19 và nhập viện gia tăng.

“Nếu không hành động ngay bây giờ, tình trạng này sẽ ngày càng phát triển theo chiều hướng nghiêm trọng hơn”, Thứ trưởng Y tế Hugo López-Gatell cảnh báo.

Mỹ và Canada

Cho đến nay, Mỹ vẫn tiếp tục cấm hầu hết du khách đến từ Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và những nơi khác. Người nhập cảnh, bao gồm công dân Mỹ, phải xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi lên máy bay. Bộ Ngoại giao Mỹ không khuyến khích người dân ra nước ngoài, đặc biệt là tới các quốc gia bị cho là rủi ro cao. Biên giới giữa Mỹ và Canada tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 21/6.

Du lịch hàng không nội địa ở Mỹ đã gần trở lại mức năm 2019 nhưng các nhóm ngành du lịch đang ngày càng mất kiên nhẫn với những gì họ coi là phản ứng quá rụt rè của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Tori Emerson Barnes, Phó chủ tịch điều hành Hiệp hội Du lịch Mỹ, bức xúc: “Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tăng và tỷ lệ ca mắc giảm, từ quan điểm kinh tế, việc mở cửa lại du lịch quốc tế là vô cùng quan trọng”.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Phập phồng 'bong bóng du lịch'
Phập phồng 'bong bóng du lịch'

“Bong bóng du lịch” được trông đợi giữa Singapore và Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) - hai trung tâm tài chính, hàng không của châu Á - lại một lần nữa phải trì hoãn sau khi Singapore ghi nhận số ca mắc COVID-19 không thể truy vết tăng đột biến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN