Theo một bài viết đăng trên Tạp chí Phố Wall (WSJ) ngày 17/7, tỷ phú Roman Abramovich và các nhà tài phiệt khác của Nga, trước đó bị EU áp đặt các lệnh trừng phạt do cáo buộc liên quan đến cuộc xung đột diễn ra giữa Nga và Ukraine, đang khởi kiện EU tại một tòa án châu Âu. Nhóm doanh nhân này cáo buộc các lệnh trừng phạt xâm phạm quyền của họ.
Cụ thể, cựu chủ tịch CLB Chelsea Abramovich, ông trùm khai khoáng và kim loại Alisher Usmanov, cũng như Mikhail Fridman và Petr Aven - hai ông chủ lâu năm của Ngân hàng Alfa, một trong những ngân hàng lớn nhất của Nga, đều đã đệ đơn kiện lên Tòa án chung của EU. Họ yêu cầu tòa án cấp cao thứ hai của khối hủy bỏ các lệnh trừng phạt, cho rằng quyền của họ đã bị xâm phạm và không chấp nhận cáo buộc có mối quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin. Nhà tỷ phú Abramovich cho rằng bản thân mình mang cả quốc tịch Bồ Đào Nha, nên các lệnh trừng phạt của EU đã vi phạm các quyền cơ bản mà được chính liên minh này bảo vệ.
Thậm chí một số nhà tài phiệt còn đòi EU bồi thường. Tuy nhiên, số tiền bồi thường dường như chỉ mang ý nghĩa biểu tượng thay vì thực sự có ý nghĩa thực tiễn đối với các nhà tỷ phú Nga. Ông Abramovich đang đòi Hội đồng châu Âu (EC) bồi thường 1 triệu USD, và ông sẽ quyên góp số tiền đó cho một tổ chức từ thiện được thành lập để nhận tiền bán CLB bóng đá Chelsea.
Trong khi đó, ông Usmanov và em gái Gulbakhor Ismailova cho rằng EU cũng đóng một vai trò nào đó trong cuộc xung đột đang diễn ra. Họ cũng đòi EU bồi thường 20.000 USD để trang trải các chi phí pháp lý. Trong hồ sơ khởi kiện, Usmanov nói những cáo buộc của EU đã khiến một số giao dịch kinh doanh của ông thất bại và khiến ít nhất ba công ty con đứng trước bờ vực phá sản. Ông trùm cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến nhân viên của mình và gia đình họ.
Đầu tuần trước, dẫn các nguồn giấu tên, hãng Bloomberg đưa tin EU đang xem xét loại bỏ các lệnh trừng phạt mà họ đã áp dụng đối với một số công dân Nga. Khoảng 40 người Nga đã tìm cách ra khỏi danh sách trừng phạt, trong đó khoảng 30 người khởi kiện ra tòa và 10 người khác giải quyết trực tiếp với EU. Các luật sư EU cũng thừa nhận một số vụ kiện tụng có thể sẽ thu được kết quả nghiêng về phía các công dân Nga vì các biện pháp trừng phạt được áp dụng dựa trên những bằng chứng yếu kém hoặc sai sự thật.
Trong vài tháng qua, EU đã áp các lệnh trừng phạt đối với hàng trăm công dân Nga, bao gồm các quan chức hàng đầu, lãnh đạo doanh nghiệp và các thành viên gia đình của họ vì những vai trò bị cáo buộc trong cuộc xung đột ở Ukraine. Các hạn chế thường bao gồm đóng băng tài sản và cấm đi lại.
Từ cuối tháng 2, Nga đã triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sau khi cáo buộc quốc gia láng giềng không thực hiện các điều khoản của các thỏa thuận Minsk được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014.
Kể từ đó đến nay, Điện Kremlin luôn yêu cầu Ukraine tuyên bố là một quốc gia trung lập và cam kết không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu.
Về phần mình, Kiev khẳng định hoạt động quân sự của Nga là hoàn toàn vô cớ.