Các nhà sản xuất Nhật Bản hụt hơi trong cuộc đua phát triển thuốc trị COVID-19

Không chỉ bị bỏ sau các đối thủ toàn cầu về cuộc đua phát triển vaccine ngừa COVID-19, các nhà sản xuất thuốc tại Nhật Bản cũng chật vật trong cuộc chiến nghiên cứu loại thuốc mới điều trị căn bệnh này.

Chú thích ảnh
Thuốc trị cúm Aviga không được cơ quan quản lý dược phẩm Nhật Bản phê duyệt sử dụng cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Reuters

Theo Japan Times, tháng 11/2020, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho thuốc kháng thể tổng hợp đơn dòng Bamlanivimab được công ty Eli Lilly chế tạo.

Đây là quốc gia đầu tiên cấp phép cho loại thuốc đặc trị mới dùng trong việc điều trị COVID-19. Cũng trong tháng đó, FDA "bật đèn xanh" cho một phương pháp điều trị kháng thể khác do công ty công nghệ sinh học Regeneron Pharmaceuticals phát triển.

Tháng trước, Hàn Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp cho một loại thuốc kháng thể do nước này sản xuất. Đây là thuốc kháng thể điều trị COVID-19 thứ ba trên thế giới được các nhà quản lý công nhận.

Tại Nhật Bản, vẫn chưa có đơn xin cấp phép nào xuất hiện. Các công ty dược phẩm tại nước này dường như không đầu tư đủ cho việc chế tạo thuốc cũng như còn xuất hiện nhiều lo ngại nếu như đầu tư thất bại. 

Thay vì nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới, Nhật Bản cấp phép sử dụng hai loại thuốc có sẵn dùng cho bệnh khác vào điều trị COVID-19. Hè năm ngoái, Nhật Bản cấp phép sử dụng thuốc kháng virus remdesivir và dexamethasone trong việc điều trị COVID-19.

Ý tưởng dùng thuốc cũ để chữa bệnh mới không phải là xa lạ. Một trong những lợi thế của phương pháp này là có sẵn cho bệnh nhân dùng và các loại thuốc đã được chứng minh an toàn cho người sử dụng cũng như không mất nhiều chi phí nghiên cứu.

Bên cạnh hai loại thuốc được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt để điều trị các trường hợp mắc COVID-19 vừa và nặng, Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản còn liệt kê một số lựa chọn khác vì quốc gia này vẫn thiếu thuốc để điều trị bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ.

Một trong số đó là thuốc chống cúm Avigan. Tuy nhiên, thuốc này đã không qua được ải chấp thuận của cơ quan quản lý dược phẩm vì không đủ hiệu quả đối với bệnh nhân. Fujifilm Holdings – nơi sản xuất Avigan - được cho là sẽ tiến hành một đợt thử nghiệm lâm sàng bổ sung vào đầu tháng 4 để xin giấy phép từ cơ quan quản lý.

Chú thích ảnh
Thuốc kháng thể tổng hợp đơn dòng Bamlanivimab được công ty Eli Lilly chế tạo là loại thuốc đặc trị COVID-19 đầu tiên được cấp phép. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh các loại thuốc điều trị COVID-19 vẫn đang gặp khó khăn khi gặp kiểm duyệt, một số công ty vẫn nỗ lực nghiên cứu. Dẫn đầu trong số đó là công ty dược phẩm Takeda với thuốc “hyperimmune globulin”.

Loại thuốc này được thu từ huyết tương của các bệnh nhân mắc COVID-19 đã hồi phục. Công ty đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối với 500 bệnh nhân trên toàn cầu kể từ cuối năm ngoái.

Ngoài ra, Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu có trụ sở tại Tokyo cũng đang bắt tay thử nghiệm lâm sàng thuốc globulin với 10 bệnh nhân ở Nhật Bản.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Shimane và Đại học Nagasaki đã phát triển năm kháng thể nhân tạo trung hòa có thể phá vỡ khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Nhóm nghiên cứu đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vào tháng 1 vừa qua và đang hướng tới việc phát triển một loại thuốc mới trong tương lai.

Theo Tiến sĩ Tetsuo Nakayama – Giáo sư tại Viện Khoa học Đời sống Kitasato, trong khi các công ty nước ngoài mất chưa đầy một năm phát triển vaccine COVID-19 thành công thì việc nghiên cứu và chế thuốc điều trị COVID-19 sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Anh dừng thử nghiệm thuốc trị bệnh gout trong điều trị COVID-19
Anh dừng thử nghiệm thuốc trị bệnh gout trong điều trị COVID-19

Một loại thuốc chữa bệnh gout thông dụng đã không phát huy tác dụng đối với các bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện. Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu của Anh được công bố ngày 5/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN