Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ sau khi Paris phản ứng gay gắt về việc bị mất hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Australia.
Phát biểu với báo giới, Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki cho biết cuộc điện đàm kéo dài 30 phút và rất hữu nghị. Trong tuyên bố chung sau cuộc điện đàm, hai Tổng thống Mỹ và Pháp đều khẳng định sẽ thực thi tiến trình "tham vấn sâu rộng... nhằm đảm bảo sự tin cậy", đưa ra những đề xuất cụ thể hướng tới các mục tiêu chung. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí gặp nhau tại châu Âu vào cuối tháng 10 tới nhằm "đạt được hiểu biết chung và duy trì động lực của tiến trình này" nhằm khôi phục lòng tin, song không công bố địa điểm cụ thể.
Tuyên bố nêu rõ tình hình hiện nay đã có thể tránh được, nếu tiến hành các cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh về các vấn đề lợi ích chiến lược đối với Pháp và các đối tác châu Âu. Theo tuyên bố chung, Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ hơn nhằm củng cố liên minh quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - một ý tưởng quan trọng được lãnh đạo Pháp nhiều lần đưa ra, đồng thời cam kết tăng cường hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố tại Sahel mà các nước châu Âu đang tiến hành.
Trong động thái đầu tiên thể hiện việc "hạ nhiệt" căng thẳng, Văn phòng Phủ Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ cử đại sứ nước này trở lại Mỹ vào tuần sau. Tuần trước, Pháp đã triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Australia, sau khi Canberra hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm do Pháp thiết kế, trị giá 66 tỷ USD.
Trong khi đó, cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách vấn đề an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã kêu gọi tin tưởng hơn nữa đối với Mỹ.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề Khoá họp 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đang diễn ra ở New York (Mỹ), ông Borrell nhấn mạnh hai bên có thể xây dựng sự tin cậy lớn hơn và chắc chắn sẽ hợp tác cùng nhau. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ sự đoàn kết với Pháp - một trong những nước lớn đóng vai trò quan trọng trong EU.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết đã và đang nỗ lực sắp xếp hội đàm với Tổng thống Pháp Macron, song vẫn chưa thành công. Phát biểu tại thủ đô Washington (Mỹ), ông Morrison khẳng định sẽ kiên trì xây dựng lại mối quan hệ với Paris, đồng thời hy vọng vào thời điểm thích hợp các nhà lãnh đạo Australia và Pháp sẽ có các cuộc thảo luận tương tự như giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Macron.
Cũng trong ngày 22/9, Tập đoàn Naval của Pháp cho biết sẽ gửi một đề xuất và tính toán chi tiết tới Australia trong vài tuần tới về chi phí mà Canberra phải bồi hoàn do hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp.
Năm 2016, Australia đã nhất trí mua 12 tàu ngầm chạy bằng diesel của Tập đoàn Naval. Tuy nhiên, tuần trước Australia đã hủy bỏ thỏa thuận trên, chuyển sang mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ như một phần của AUKUS.