Yếu tố đẩy Australia ‘xoay trục’ sang AUKUS

Quan hệ đối tác an ninh mới được thiết lập với London và Washington phản ánh đà suy giảm nghiêm trọng trong quan hệ giữa Canberra với Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Trung Quốc áp thuế 212% đối với mặt hàng rượu vang nhập khẩu từ Australia từ cuối tháng 11/2020. Ảnh: Getty Images

Với thỏa thuận an ninh ba bên mới được thiết lập cùng Mỹ và Anh (viết tắt là AUKUS), Australia sẽ có cơ hội sớm được sở hữu đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện đại. Diễn biến mới này cũng cho thấy một luồng quan điểm đang thắng thế ở Australia: Caberra đã đánh giá sai lầm về sự trỗi dậy của Trung Quốc và giờ cần phải theo đuổi một chiến lược mạnh mẽ hơn trước sức ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn, chiếm hơn 1/3 tổng lượng hàng xuất khẩu của Australia. Vì sự lệ thuộc này, Canberra trong nhiều năm qua luôn theo đuổi một chính sách cẩn trọng, cân bằng giữa đối kháng chính sách, với giữ nhịp quan hệ hữu hảo về kinh tế. AUKUS ra đời sau quãng thời gian 6 năm đầy biến động theo hướng ngày một tệ đi trong quan hệ song phương Trung Quốc-Australia. Canberra ngày một bất bình trước các chiến dịch đe dọa kinh tế và gây ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh.

Lý giải cho việc tăng cường liên minh với Mỹ và Anh, Thủ tướng Scott Morrison cho biết Australia cần chủ động hơn trong việc giữ các tuyến hàng hải luôn mở, bảo vệ nền tảng dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một chiến lược quốc phòng dựa chủ yếu vào lực lượng tàu ngầm thông thường đặt mua của Pháp đã không còn phù hợp với mục tiêu này, bởi tàu ngầm chạy nhiên liệu diesel chậm hơn, thời gian hoạt động dưới lòng đại dương ngắn hơn nhiều so với tàu ngầm hạt nhân. “Một môi trường an ninh tương đối hữu hảo mà Australia được thừa hưởng trong nhiều thập kỉ qua đã không còn nữa”, ông Morrison nói.

Nhiều năm qua, Australia cố tìm cách cân bằng giữa phát triển quan hệ quân sự chặt chẽ với Mỹ - thể hiện qua việc Canberra điều động binh sĩ tham gia chiến dịch quân sự do Mỹ đứng đầu ở Iraq hay Afghanistan, với duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc – thị trường Australia ngày một phụ thuộc lớn, nhất là xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như quặng sắt.

Quan hệ Trung Quốc-Australia đạt tới đỉnh cao vào năm 2015, thời điểm hai bên đồng ý thỏa thuận tự do thương mại song phương, đưa tới dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Australia đạt mức kỉ lục ngay một năm sau đó. Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu xấu đi khi Canberra cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào nền chính trị Australia, ra quyết định cấm tập đoàn viễn thông Huawei đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng mạng 5G ở Australia.

Chú thích ảnh
Australia sẽ được Mỹ, Anh trợ giúp, chuyển giao công nghệ phát triển tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ hợp tác AUKUS. Ảnh: Australia Royal Navy

Năm 2020, ông Morrison lên tiếng kêu gọi mở cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19. Ngay lập tức, Trung Quốc tung đòn đáp trả với quy định áp thuế đối cao với mặt hàng với lúa mạch của Australia, dừng nhập khẩu thịt bò từ "xứ sở chuột túi" và đánh thuế chống bán phá giá với mặt hàng rượu vang của Australia. Phía Mỹ và Australia đều gọi cách hành xử này là chiến thuật “đe nẹt kinh tế” của Bắc Kinh.

Về mặt chiến lược, Australia coi hiện đại hóa hải quân là “trái tim” của kế hoạch cải tổ quốc phòng trị giá 186 tỉ USD được thông qua vào năm ngoái, bên cạnh khoản chi cho hệ thống tên lửa tầm xa, nâng cao tiềm lực tác chiến mạng và radar do thám. Australia muốn dựa vào hạm đội tàu ngầm 12 chiếc chạy bằng động cơ diesel, sử dụng công nghệ của Pháp theo hợp đồng ký kết năm 2016.

Nhưng với quyết định chuyển hướng sang AUKUS, Australia đã hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm với Pháp – hành động khiến Paris tức giận, coi đây là sự phản bội. Về phần mình, ông Morrison lý giải việc ngừng hợp tác với Pháp một phần là bởi Canberra đứng trước một cơ hội chưa bao giờ có được: Đó là việc chính quyền Tổng thống Joe Biden đồng ý chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân, một đặc quyền mà từ trước đến giờ Mỹ mới chỉ dành riêng cho đồng minh thân cận nhất là Anh.

Theo Sam Roggeveen, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy, quyết định chuyển hướng của Australia bắt nguồn từ việc giới lãnh đạo nước này tin rằng cách thức tốt nhất để cân bằng với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc là xích lại gần hơn với Mỹ, kết hợp với tăng cường sức mạnh hàng hải.

Tuy nhiên, “mức giá” mà Canberra phải trả cũng không hề rẻ. "Bẻ lái" thỏa thuận tàu ngầm ký với Pháp, Australia chấp nhận mất không 1,7 tỉ USD đã đầu tư cho chương trình này, cùng với đó là nguy cơ bị phạt vì phá vỡ hợp đồng. Trong số các đồng minh của Mỹ, Australia là nước dễ bị tổn thương nhất trước đòn trừng phạt của Trung Quốc, thị trường tiêu thụ 1/3 hàng xuất khẩu của Australia.

Tàu ngầm hạt nhân cũng đắt hơn nhiều so với tàu ngầm thông thường của Pháp, khiến Australia nhiều khả năng sẽ phải tăng chi tiêu quân sự tại thời điểm nền kinh tế nước này còn gặp nhiều khó khăn vì tình trạng đóng cửa do đại dịch COVID-19.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (New York Times)
Liên minh AUKUS: Sự hình thành và những tác động ảnh hưởng
Liên minh AUKUS: Sự hình thành và những tác động ảnh hưởng

Ngày 15/9, Mỹ, Anh và Australia ra thông báo chính thức về thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên, (gọi tắt là AUKUS), ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nội hàm của hợp tác ba bên này là gì và nó có tác động ảnh hưởng ra sao là điều mà giới nghiên cứu quốc tế đang tập trung làm rõ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN