Cụ thể, lệnh trừng phạt thương mại theo yêu cầu gần đây của Ba Lan đã sẵn sàng được thảo luận trở lại, mặc dù các nhà lãnh đạo EU vẫn còn chia rẽ về vấn đề nhập khẩu khí đốt.
Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra từ ngày 24-25/3, các nhà lãnh đạo EU đã không quyết định về gói trừng phạt thứ năm và nói rằng điều này sẽ được kích hoạt nếu Nga vượt qua ranh giới đỏ.
"Ranh giới đỏ này đã bị vượt qua, và do đó sứ mệnh cô lập Nga khỏi thế giới đã được khởi động", một nguồn tin trong EU cho biết.
Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney lưu ý các biện pháp trừng phạt từ đầu cho đến nay rõ ràng là không có tác dụng và Ireland sẽ thúc đẩy tăng cường đáng kể các lệnh trừng phạt mà EU đã áp dụng. Ông nhấn mạnh đến lĩnh vực năng lượng, quyền tiếp cận các cảng và loại bỏ nhiều ngân hàng Nga khỏi SWIFT.
Ba Lan gần đây đã kêu gọi cấm hoàn toàn giao dịch thương mại với Nga, nhưng bị Séc phản đối vì cho rằng đây không phải là lựa chọn thực tế. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao EU cho biết vấn đề này đã được đưa trở lại chương trình nghị sự.
Thủ tướng Ireland Taoiseach Micheál Martin cũng nhắc lại vấn đề trên, cho rằng mọi áp lực sẽ nhằm vào Nga để chấm dứt xung đột.
Tại Paris, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết các sự kiện ở Bucha có thể dẫn đến việc áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt mới trong vài ngày tới, đặc biệt là đối với than và dầu của Nga.
"Lệnh cấm vận đối với dầu mỏ và than đá là một trong những khả năng sẽ được thảo luận tại Brussels vào ngày 6/4", Văn phòng của Tổng thống Pháp thông báo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Áo Magnus Brunner nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt đối với nhập khẩu năng lượng của Nga sẽ gây tổn hại cho châu Âu nhiều hơn so với Nga.
“Áo không ủng hộ các biện pháp trừng phạt liên quan đến khí đốt vì châu Âu đang phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga. Tôi nghĩ rằng tất cả các biện pháp trừng phạt khiến chúng tôi tổn thất nhiều hơn so với Nga. Điều này sẽ không tốt cho chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi phản đối các lệnh trừng phạt về dầu khí”, ông Brunner nói.
Thay vào đó, ông Brunner ủng hộ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với nhiều cá nhân, tổ chức và cơ quan của Nga hơn.
Áo nhập khẩu 80% khí đốt từ Nga và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp và các nhà máy năng lượng của Áo. Nền kinh tế Áo đang phải gánh chịu hậu quả từ các lệnh trừng phạt hiện tại, vì tăng trưởng kinh tế dự kiến cho năm 2022 đã bị giảm từ 5% xuống còn 3,5%.
Tình hình ở Bucha đang nổi lên là điểm nóng mới trong đối đầu giữa Ukraine, phương Tây với Nga. Tổng thống Mỹ ngày 4/4 lần đầu tiên lên tiếng về cáo buộc giết hại dân thường xảy ra ở Bucha, cam kết sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cùng ngày cho biết quân đội Mỹ không thể xác nhận một cách độc lập những thông tin của Ukraine về các hành động vũ lực của quân đội Nga nhằm vào dân thường tại thị trấn Bucha của Ukraine, song cũng chưa có cơ sở lý do gì để bác bỏ những thông tin này.
Về phần mình, Nga kiên quyết bác bỏ những cáo buộc “sát hại dân thường” tại Bucha. Hãng tin Interfax ngày 4/4 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết Moskva “thực sự nghi ngờ” những báo cáo, thông tin mà Ukraine và phương Tây công bố nhằm quy trách nhiệm cho Nga. “Với những gì xem được, chất liệu video phần lớn không đáng tin. Các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Nga đã phát hiện ra một số dấu hiệu video chỉnh sửa, video giả tạo”, ông Peskov nói.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày cũng khẳng định vụ việc mà Ukraine nói là đã xảy ra ở thị trấn Bucha là một “cuộc tấn công giả”, nhằm mục đích phá hoại Nga. Hãng tin TASS dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov cho rằng những thi thể này đã được “dàn dựng”, rồi sau đó hình ảnh và cáo buộc sai lệch của Kiev đã được truyền thông Ukraine và phương Tây lan truyền trên mạng xã hội.