Cả hai bên đều ghi nhận tiến triển trong mọi vấn đề nhưng vẫn có ý kiến khác nhau về việc ai sẽ là bên chi phối cuộc đàm phán. Phía Ukraine cho rằng các cuộc đàm phán đã sẵn sàng tổ chức ở cấp tổng thống, trong khi Trưởng phái đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky khẳng định rằng còn quá sớm để nói về cuộc gặp cấp cao này trước khi hoàn thành thỏa thuận.
Một trong những "nút thắt" chính hiện nay là việc công nhận tình trạng của Crimea và Donbass. Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông báo rằng khó có thể tổ chức trưng cầu dân ý về việc Donbass sáp nhập vào Nga trước cuối năm nay. Ưu tiên là kết thúc chiến dịch quân sự và khôi phục kinh tế của khu vực.
Mặc dù vậy, vẫn có khả năng tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Ukraine. Để tổ chức cuộc gặp này, Giám đốc Chương trình của Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC) Ivan Timofeev nhận định với Izvestia rằng tất cả các nội dung của thỏa thuận cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó.
"Một cuộc gặp không có kết quả gì là điều không thể chấp nhận được đối với nhà lãnh đạo Nga. Do đó, cuộc hội đàm như vậy trên thực tế vẫn chưa xảy ra", ông Timofeev nói.
Theo ông Timofeev, các cuộc đàm phán phần lớn phụ thuộc vào tình hình cuộc xung đột và lập trường của Kiev cũng như Moskva có thể trở nên cứng rắn tùy thuộc vào kết quả của hoạt động quân sự trên thực địa.
"Việc các lực lượng Nga bị chặn lại có thể được coi là lợi thế của Kiev. Hiện tại, Nga cũng có thể đẩy mạnh kiểm soát hoàn toàn khu vực Donbass. Trong trường hợp thành công, Moskva sẽ chiếm ưu thế trên bàn đàm phán. Đây là lý do tại sao cho đến nay hai bên rất khó đạt được thỏa hiệp”, chuyên gia Nga lưu ý.
Theo đánh giá của ông Timofeev, quan điểm của Nga và Ukraine có khả năng xích lại gần nhau hơn về vị thế trung lập và đảm bảo an ninh của Ukraine. Tuy nhiên, các thỏa hiệp về vấn đề Donbass và Crimea vẫn là một vấn đề "hóc búa".
Về phần mình, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện về Châu Âu và Quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế Nga, ông Dmitry Suslov nhận xét, phương Tây không thống nhất về mối liên hệ giữa các lệnh trừng phạt và tiến trình các cuộc đàm phán.
Ông Suslov nhấn mạnh, các nước như Hà Lan, Anh, Ba Lan và Mỹ cho rằng việc ngừng các hoạt động quân sự và ký kết thỏa thuận hòa bình là không đủ để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Theo quan điểm của họ, các lệnh trừng phạt sẽ tiếp tục làm suy yếu vị thế quốc tế của Nga.
Ngược lại, các cường quốc châu Âu như Pháp, Đức và Italy không đồng ý với quan điểm trên và ủng hộ việc dỡ bỏ hoàn toàn hoặc một phần các lệnh trừng phạt sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga kết thúc.