Trước đó, Mỹ đã phong tỏa hàng triệu USD của Venezuela trong các tài khoản ngân hàng tại Mỹ, trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.
Trả lời phỏng vấn báo giới về ảnh hưởng của việc này, Ngoại trưởng Arreaza nhấn mạnh: "Nếu Venezuela không bị phong tỏa các nguồn lực, chúng tôi đã có thể mua 30 triệu liều vaccine mà chúng tôi cần từ 3 tháng trước đây".
Đến nay, Venezuela đã nhận được 250.000 liều vaccine Sputnik V của Nga và 500.000 liều vaccine của công ty Sinopharm (Trung Quốc). Caracas đang thương lượng để mua thêm vaccine từ cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đứng đầu.
Người đứng đầu Ủy ban Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), ông Ciro Ugarte cho biết "các cuộc thương lượng và đàm phán cũng như các nỗ lực nhằm dỡ bỏ phong tỏa đối với tài sản của Venezuela ở nước ngoài vẫn đang được tiến hành".
Cũng giống như các nước khác ở khu vực Mỹ Latinh, Venezuela đang chật vật ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới, nhất từ khi một biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên ở Brazil. Đến nay, Venezuela đã ghi nhận tổng cộng trên 170.000 ca nhiễm và trên 1.700 ca tử vong.
* Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 7/4, Chính phủ Chile đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Ad5-nCoV do hãng dược phẩm CanSino của Trung Quốc nghiên cứu và phát triển. Sau khi Viện Y tế công Chile (ISP) công bố quyết định phê quyệt vaccine Ad5-nCoV, chính phủ nước này hy vọng sẽ nhận được 1,8 triệu liều vaccine này từ CanSino trong những ngày tới.
Trước Ad5-nCoV, Chile đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 3 loại vaccine khác do các hãng dược phẩm Pfizer-BioNTech, Sinovac và AstraZeneca sản xuất. Dữ liệu sơ bộ cho thấy vaccine Ad5-nCoV có hiệu quả 65,7% trong các thử nghiệm lâm sàng. Các chuyên gia y tế cho biết các phản ứng phụ sau khi tiêm loại vaccine này bao gồm đau cơ, sốt và đau đầu. Ngoài ra, loại vaccnie này giúp đơn giản hóa quy trình tiêm chủng do chỉ cần một mũi tiêm, trong khi phần lớn các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay cần tiêm hai mũi.
Đến nay, Chile ghi nhận trên 7.111.000 người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó khoảng 4.192.000 người đã được tiêm 2 liều.