Theo đài truyền hình CNN, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang bận rộn với lịch trình hoạt động ngoại giao dày đặc, bao gồm các cuộc họp tại khu ở riêng ở Delaware, các cuộc gặp bên lề Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ và các chuyến công du nước ngoài sắp tới, sự chú ý trên trường thế giới cũng đang chuyển sang Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.
Mỗi ứng cử viên đều đang tìm cách vun đắp mối quan hệ ngoại giao của mình trong giai đoạn cuối của chiến dịch, nắm bắt các cuộc gặp trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ tuần này như một cơ hội để thể hiện quan điểm khác biệt của họ.
Cho đến nay, chỉ có Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ gặp cả hai ứng viên tổng thống Harris và Trump. Trong khi đó, Phó Tổng thống Harris sẽ có cuộc hội đàm tại Washington với tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vào ngày 23/9. Ông Trump cũng tiết lộ có kế hoạch hội đàm với thủ tướng Ấn Độ.
Ngày 22/9, ứng viên tổng thống đảng Cộng hoà Trump cho biết mình đã gặp Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani và Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida. Qatar hiện đóng vai trò là trung gian quan trọng cho Hamas trong những nỗ lực đang diễn ra nhằm đạt được thỏa thuận về con tin và ngừng bắn ở Gaza.
"Quốc vương đã chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo vĩ đại và quyền lực của đất nước mình. Ngài ấy là người rất mong muốn hòa bình ở Trung Đông và trên toàn thế giới. Chúng tôi đã có mối quan hệ tuyệt vời trong những năm tôi ở Nhà Trắng và mối quan hệ này sẽ còn bền chặt hơn nữa trong thời gian tới!”, ông Trump bày tỏ trên mạng xã hội.
Nhiều quan chức Mỹ tiết lộ các đại diện chính thức và không chính thức của bà Harris và ông Trump đã tiếp nhận yêu cầu từ hàng chục quốc gia với hy vọng sắp xếp các cuộc gặp mặt.
Trong khi chiến dịch của ông Trump thông báo cựu tổng thống có thể tổ chức các cuộc họp với các nhà lãnh đạo thế giới mà chiến dịch của ông không thông báo trước thì cho đến hiện tại, Phó Tổng thống Harris không có kế hoạch đến New York để tham dự sự kiện của ĐHĐ LHQ.
Trợ lý của cả hai ứng cử viên đều cho biết không có ai trong số họ phải cảm thấy chịu sức ép đặc biệt để đánh bóng chính sách đối ngoại của mình. Ông Trump đã từng làm tổng thống trong khi bà Harris cũng đã có 4 năm nắm giữ vai trò là phó tổng thống và gặp gỡ hơn 150 nhà lãnh đạo thế giới.
Không giống như các cuộc bầu cử trước đây, cả hai ứng viên đều không tham gia các chuyến công du nước ngoài trước bầu cử để chứng minh khả năng làm chủ “vũ đài” thế giới. Bên cạnh đó, các vấn đề thế giới vẫn là thứ yếu so với các mối quan tâm trong nước như vấn đề kinh tế, nhập cư và phá thai.
Tuy nhiên, việc các ứng cử viên tổng thống sắp xếp các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nước ngoài trước một cuộc bầu cử không phải là chưa từng có. Trong cuộc bầu cử 2016, ứng cử viên Hillary Clinton đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khi đó. Thời điểm đó, bà Clinton và ông Trump cũng đã gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi.