Thỏa thuận ngừng bắn được giữ vững
Kịch bản đầu tiên là thỏa thuận ngừng bắn có thể được duy trì rất tốt, được cả hai bên tôn trọng.
Ông Aboud Hamayel, giảng viên tại Đại học Birzeit (Bờ Tây), cho biết, theo kịch bản này, các tù nhân và con tin được trao đổi, viện trợ nhân đạo có thể không chỉ được đưa đến miền Nam Gaza như trong vài tuần qua mà còn có thể vào miền Bắc Gaza.
Tuy nhiên, theo ông Sami Hamdi, Giám đốc điều hành International Interest (công ty phân tích rủi ro chính trị chuyên về Trung Đông), mặc dù viện trợ nhân đạo sẽ được hoan nghênh, nhưng lệnh ngừng bắn cũng sẽ đặt ra câu hỏi nên làm gì với miền Bắc Gaza, vì nơi này phần lớn không có người Palestine do họ đã di tản gần hết về phía Nam.
Ông Hamdi nói với Al Jazeera: “Sẽ có những tiếng nói ngày càng lớn yêu cầu rằng những gia đình Palestine này phải được phép quay trở lại phía Bắc Gaza”.
Mặc dù quân đội Israel đã phát cảnh báo dân Palestine không được về miền Bắc, nhưng việc tạm dừng giao tranh là cứu cánh cho nhiều người Palestine. Đây là một cơ hội để họ lấy lại sức lực và đưa mọi người ra khỏi đống đổ nát.
Theo ông Hamdi, việc trao trả con tin có thể mang lại một chiến thắng nhỏ về mặt quan hệ công chúng cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi ông đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ gia đình các con tin. Nhưng chính áp lực quốc tế và áp lực của các gia đình đã buộc nhà lãnh đạo Israel phải chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn sau nhiều tuần từ chối các thỏa thuận tương tự.
Do đó, ông Hamayel cho rằng áp lực quốc tế sẽ rất quan trọng để đảm bảo rằng cả hai bên duy trì thỏa thuận ngừng bắn, trong đó các tác nhân phương Tây đặc biệt quan tâm đến việc duy trì ổn định trong khu vực để nền kinh tế và thị trường dầu mỏ không trở nên quá biến động.
Lệnh ngừng bắn được kéo dài
Nếu áp lực quốc tế thành công, hoặc nếu Hamas đồng ý trả tự do cho thêm con tin, thì có khả năng lệnh ngừng bắn không chỉ được duy trì mà còn kéo dài hơn 4 ngày đầu tiên, lên tới khoảng 3 tuần.
Ông Hamayel cho rằng cả hai bên có thể tận dụng thời gian tạm lắng lâu hơn trong giao tranh này để dưỡng thương, sắp xếp lại binh sĩ và thu thập thông tin tình báo cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến.
Israel cũng có thể nhân thời gian tạm dừng để dò tìm các đường hầm của Hamas. Đây là điều mà họ vẫn chưa thực hiện.
Theo ông Hamayel, mặc dù Israel ra tín hiệu rằng họ không có ý định kết thúc cuộc chiến với Hamas, nhưng nước này cũng có thể muốn tạm dừng lâu hơn vì chiến tranh đang làm kiệt quệ nền kinh tế và ảnh hưởng đến du lịch.
Trong khi đó, Israel có thể tăng cường các cuộc tấn công vào Bờ Tây khi mặt trận Gaza tạm lắng. Ít nhất 226 người đã thiệt mạng và trên 2.750 người bị thương ở Bờ Tây kể từ ngày 7/10.
Lệnh ngừng bắn bị phá vỡ
Các nhà phân tích cho biết kịch bản trái ngược với hai kịch bản trên là phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn, trong đó Israel có nhiều động cơ để phá vỡ thỏa thuận này hơn Hamas.
Hamas không muốn mất uy tín với các nhà hòa giải, trong khi tình hình đối với thường dân Palestine quá nghiêm trọng khiến nhóm này muốn có một thời gian tạm ngừng giao tranh.
Trong khi đó, về phía Israel, ông Netanyahu đã không đạt được mục tiêu chiến lược nào mà ông tuyên bố khi bắt đầu các hoạt động quân sự và điều đó buộc ông phải tiếp tục cuộc chiến. Ông Hamdi nhận định: Thủ tướng Israel chưa tiêu diệt được quan chức cấp cao nào của Hamas. Ông ấy chưa quét sạch được Hamas ở Gaza”.
Nhưng Hamas và các đồng minh trong khu vực sẽ không xem nhẹ nếu Israel phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn. Hamas sẽ bắn tên lửa vào Israel để đáp trả và khả năng căng thẳng leo thang dần dần trên nhiều mặt trận của cuộc chiến.
Cũng có khả năng Hamas phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn. Nếu như vậy, Hamas sẽ không chỉ khiến phương Tây phẫn nộ mà còn có thể sẽ khiến Israel đẩy mạnh cuộc chiến cả từ trên không và trên bộ.
Dù vậy, ông Hamdi cho rằng các đồng minh trong khu vực của Israel vẫn sẽ thận trọng và sẽ nỗ lực theo đuổi giảm leo thang xung đột.
Con đường kết thúc cuộc chiến?
Trong khi đó, ông Hamdi cho rằng các quan chức Israel lo cuộc trao đổi con tin này về cơ bản là một nỗ lực nhằm lôi kéo Israel vào một lệnh ngừng bắn lâu dài.
Do đó, Thủ tướng Netanyahu đã đảm bảo rằng các hoạt động quân sự sẽ tiếp tục sau lệnh ngừng bắn. Ngày 23/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng tuyên bố cuộc chiến sẽ tiếp tục trong ít nhất hai tháng nữa sau khi kết thúc thỏa thuận ngừng bắn.
Trong khi đó, áp lực quốc tế về lệnh ngừng bắn đang gia tăng. Đó là quan điểm của đa số tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS hồi đầu tuần này. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã kêu gọi ngừng bắn nhân đạo.
Về triển vọng chấm dứt cuộc chiến, ông Hamayel cho rằng thỏa thuận ngừng bắn hiện nay mở ra cơ hội cho các động thái và giải pháp ngoại giao, tiến tới khả năng chấm dứt một cuộc xung đột đẫm máu.
Thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo kéo dài 4 ngày giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas chính thức có hiệu lực từ 7 giờ ngày 24/11 giờ địa phương (tức 12 giờ theo giờ Hà Nội). Đây là lần ngừng bắn đầu tiên sau gần 7 tuần xung đột giữa hai bên. Theo thỏa thuận, Hamas sẽ thả nhóm con tin đầu tiên trong ngày 24/11 và hàng viện trợ sẽ được đưa vào Gaza. Trước đó hai bên nhất trí rằng ít nhất 50 con tin bị Hamas giam giữ và khoảng 150 người Palestine đang bị giam giữ ở Israel sẽ được trả tự do trong 4 ngày ngừng bắn. Thỏa thuận giữa Israel và phong trào Hamas do Qatar làm trung gian hòa giải.