Hãng thông tấn AFP đưa tin quốc gia Nam Á có 22 triệu dân này đang phải đối mặt với đợt suy thoái kinh tế trầm trọng nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948 do kho dự trữ ngoại hối đã cạn đáy.
Chủ sở hữu báo tư nhân Upali Newspapers cho biết đã phải dừng xuất bản nhật báo tiếng Anh mang tên “The Island” và phiên bản tiếng địa phương “Divaina” vì khan hiếm giấy in. Hai tờ báo trên tạm thời chỉ phát hành trực tuyến.
Sau khi các chi phí đội giá 30% trong vòng 5 tháng qua, một số tờ báo quốc gia chính cũng buộc phải cắt giảm số trang. Tuần trước, giới chức Sri Lanka đã thông báo hoãn kì thi đối với khoảng 3 triệu học sinh do không thể đảm bảo được nguồn cung giấy và mực viết.
Giới chuyên gia cho biết sự thiếu hụt đồng ngoại tệ USD đã khiến quốc gia này rơi vào tình trạng khan hiếm năng lượng, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống và đẩy giá cả tăng vọt. Tháng 2 vừa qua, Sri Lanka ghi nhận mức lạm phát kỷ lục 17,5%, tăng liên tiếp trong 5 tháng.
Người dân phải xếp hàng dài tại các trạm xăng. Tuần qua, đã có ít nhất 4 người tử vong do phải chờ đợi đổ xăng suốt nhiều giờ.
Các quan chức Bộ Năng lượng Sri Lanka cho biết họ đã huy động được 42 triệu USD để thanh toán cho lô hàng dầu diesel và nhiên liệu máy bay bị giữ tại cảng Colombo hai tuần qua, sau khi nhà nước này không có tiền USD để trả.
Đầu tháng 3, chính phủ đã hạ tỷ giá đồng rupee, đồng thời tuyên bố sẽ tìm kiếm một gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tái cơ cấu nợ nước ngoài.
Năm nay, Sri Lanka cần gần 7 tỷ USD để trả nợ nước ngoài trong khi kho dự trữ ngoại hối chỉ còn 2,3 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 7,5 tỷ USD tại thời điểm chính phủ đương nhiệm lên nắm quyền hồi tháng 11/2019. Hòn đảo này đang tìm cách vay tiền của Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác để vượt qua cuộc khủng hoảng tiền tệ.
Sri Lanka đã rơi vào khủng hoảng kinh tế sâu sắc khi đại dịch COVID-19 ập đến, làm giảm lượng kiều hối của người lao động nước ngoài, cũng như gây tê liệt ngành du lịch chủ lực.