Trước bầu cử, FdI đã gây được sự chú ý lớn khi liên tục vươn lên và duy trì vị trí dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận. Dưới thời chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi, FdI là đảng đối lập duy nhất trong quốc hội, nhưng lại trở thành nhân tố chính dẫn dắt và củng cố sức mạnh cho liên minh cánh hữu và cũng là đảng đã giành được nhiều phiếu nhất, với 26%, so với 8,9% của Lega và 8,1% của Forza Italia.
Với số phiếu trên, cộng với số phiếu bầu bổ sung từ các cử tri Italy ở nước ngoài và ở 2 khu vực độc lập, liên minh trung hữu đã giành được 237/400 ghế hạ viện và 112/200 ghế thượng viện, một đa số rõ rệt, nhưng không phải là đa số áp đảo 2/3 như kỳ vọng để có thể sửa đổi Hiến pháp. Bà Giorgia Meloni, với tư cách là lãnh đạo FdI, nhiều khả năng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Italy, mặc dù quá trình thành lập chính phủ mới dự kiến mất nhiều tuần. Quốc hội mới sẽ được triệu tập ngày 13/10 để bầu ra chủ tịch thượng viện và hạ viện. Sau đó, Tổng thống Sergio Mattarella có thể bắt đầu tham vấn với các lãnh đạo đảng để thảo luận về chính phủ mới. Thủ tướng được bổ nhiệm sẽ đệ trình danh sách các bộ trưởng để tổng thống phê chuẩn và sau đó được quốc hội thông qua bằng một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
Khi tham gia cuộc bầu cử sớm, người dân Italy đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận sự thay đổi chính trị lớn, khi nước này đang phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng, từ tỷ lệ lạm phát cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt liên quan tới biến đổi khí hậu, đến khủng hoảng năng lượng trầm trọng do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Đồng euro yếu hơn đồng USD, lạm phát gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp ở Italy hiện nay là 7,9%. Italy đang phải đối mặt với tình trạng dân số giảm (dự báo chỉ có 47,7 triệu người vào năm 2070) và dân số già, với số người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 34,9% dân số vào năm 2050, so với 23,5% năm 2021. Tuy nhiên, điều mà người dân Italy, Liên minh châu Âu (EU) và cộng đồng quốc tế hy vọng là chính phủ sắp tới sẽ có thể duy trì sự ổn định, không lặp lại những sóng gió như các chính phủ thời gian gần đây.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Antonio Albanese, Giám đốc Hãng truyền thông AGC Communication cho rằng chính phủ sắp tới có đủ điều kiện cần thiết để tồn tại 5 năm theo nhiệm kỳ quốc hội. "Việc chiếm đa số tại cả thượng viện và hạ viện sẽ đảm bảo cho liên minh cánh hữu có thể cầm quyền một cách thuận lợi và suôn sẻ. Trước đây, đã từng có nhiều liên minh trung hữu đa số bị tan vỡ trong quá trình điều hành đất nước. Tuy nhiên, liên minh cánh hữu lần này dường như gắn kết hơn, một phần do sự chênh lệch lớn về tỷ lệ phiếu bầu, cũng như số ghế giữa các đảng thành viên trong liên minh”.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, liên minh trung hữu đã tuyên bố ưu tiên cải cách thể chế, điều chỉnh chính sách thuế, hỗ trợ các hộ gia đình, bảo vệ sức khỏe và việc làm của người dân. Đó cũng là một yếu tố làm nên thắng lợi của liên minh. Ông Albanese đánh giá: “Duy trì môi trường ổn định về kinh tế cho người dân sẽ là vấn đề ưu tiên của chính phủ mới tại Italy. Mục tiêu đó có thể đạt được thông qua việc sử dụng các công cụ về thuế nhằm đảm bảo sự công bằng, chắc chắn cho mỗi công dân và doanh nghiệp Italy”.
Về thuận lợi, tính chất “nhân tố mới” là một trong những lý do tạo nên sức mạnh của liên minh trung hữu, khi họ huy động được một lực lượng đa số rất rộng rãi và nhất trí cao trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, chính phủ mới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước mắt, thách thức cấp bách nhất của bà Meloni là phải củng cố, đưa liên minh cánh hữu vượt qua những chia rẽ sâu sắc, ngăn chặn mọi mâu thuẫn bùng phát trong giai đoạn thành lập chính phủ cũng như cầm quyền sau đó. Thời gian tới là giai đoạn then chốt đối với Italy, với nhiều vấn đề nội bộ cần phải giải quyết, bao gồm việc thực thi các chương trình cải cách để được EU giải ngân quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19, nguy cơ bùng phát dịch... Chính phủ mới cũng phải có giải pháp rất ngắn hạn để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng mà Italy sẽ phải đối mặt trong mùa Đông tới. Nếu không có những cải cách cơ cấu hiệu quả, các yếu tố không chắc chắn như cuộc xung đột Ukraine, đình trệ kinh tế và lạm phát gia tăng sẽ gây ra khó khăn lớn cho chính phủ tương lai.
Giáo sư Matteo Luigi Napolitano, chuyên gia về đối ngoại và lịch sử quốc tế thuộc Đại học Molise (Italy), nhận định chính phủ mới phải đáp ứng được kỳ vọng của cử tri: là những nhân vật có năng lực để giải quyết một loạt các vấn đề nóng từ y tế, kinh tế đến cuộc chiến tại Ukraine, và quản lý Quỹ phục hồi và chống đỡ quốc gia (PNRR). Do đó, khó khăn mà chính phủ mới sẽ phải đối mặt chính là việc tiếp nhận các kỹ năng điều hành từ chính phủ tiền nhiệm, phải hành động ngay lập tức các vấn đề cấp thiết như phúc lợi xã hội hay quan hệ với EU. Ngoài ra, chính phủ mới phải chú trọng vấn đề kinh tế, đồng thời phải xác định rõ chính sách đối ngoại trong quan hệ với châu Âu, NATO.
Theo ông Albanese, khó khăn lớn nhất của FdI là phải thuyết phục để người dân Italy có cách nhìn khác về đảng này, vốn bị gắn với hình ảnh cực hữu trong quá khứ. Mặt khác, FdI muốn được cử tri Italy đánh giá dựa trên những gì họ có thể làm được để bảo vệ quyền lợi của tất cả người dân, cũng như để xứng đáng với niềm tin và thực hiện các cam kết đối với cử tri Italy. Trong khi đó, bối cảnh quốc tế với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế, địa chính trị cũng sẽ đặt ra phép thử thực sự, qua đó kiểm chứng năng lực điều hành của chính phủ mới.
Kết quả cuộc bầu cử và khả năng xuất hiện chính phủ thiên hữu nhất từ trước đến nay sẽ có tác động lớn đến Italy và châu Âu. Bà Meloni đã nhấn mạnh nếu được trao nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, liên minh trung hữu sẽ nỗ lực vì lợi ích và gắn kết mọi người dân. Nhưng về chính sách kinh tế và đối ngoại, bà Meloni bị đánh giá là tương đối ít kinh nghiệm.
Đối với Italy, chính sách đầu tiên có tác động lớn là dự thảo ngân sách năm 2023 - dự kiến phải được thông qua vào cuối năm nay - có thể chỉ gồm các dự báo kinh tế tồi tệ, khiến chính phủ bị “bó tay” trong hỗ trợ kinh tế. Liên minh trung hữu cam kết sẽ kiểm soát tài chính công và giúp người dân Italy vượt qua khủng hoảng. Với tốc độ tăng trưởng chậm lại và lãi suất gia tăng, chính phủ sẽ ngày càng khó duy trì hành động cân bằng mà không làm tăng thâm hụt ngân sách của Italy, một động thái có thể không được các thị trường hoan nghênh. Cho đến nay, Italy đã chi 66 tỷ euro để bảo vệ người dân trước tình trạng tăng giá điện và sẽ cần nhiều tiền hơn nữa, trong khi cam kết giảm thuế, sẽ làm giảm thu ngân sách, buộc chính phủ phải tiếp tục đi vay, trong bối cảnh nợ công của Italy hiện mức cao nhất từ trước đến nay (2.812 tỷ USD). Nhận xét với phóng viên TTXVN, ông Fabio Massimo Parenti, Giáo sư thuộc Viện Lorenzo de' Medici cho biết chính phủ sắp tới nên tiếp tục chương trình nghị sự của Thủ tướng Draghi, tức là tiếp tục thu hẹp hệ thống phúc lợi xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất khó khăn trong việc thanh toán các khoản chi phí, nhất là về năng lượng.
Đối với EU, một chính phủ cánh hữu mới ở Italy có thể dẫn đến xung đột với khối này về các vấn đề tài chính, pháp quyền, di cư và chính sách đối ngoại. Mặc dù bà Meloni tuyên bố sẽ không theo đuổi các chính sách cực đoan như đưa Italy ra khỏi EU hay Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhưng EU quan ngại Italy sẽ thực thi các chính sách di cư vô cùng khắc nghiệt để chấm dứt làn sóng người tị nạn đổ về nước này. Vì thế, các chính sách nhập cư mới của Italy có thể sẽ đi ngược lại chính sách chung của EU và làm phá sản các kế hoạch của EU.
Quan ngại lớn thứ hai của EU là về chính sách kinh tế của chính phủ mới. Trong chiến dịch tranh cử, bà Giorgia Meloni từng nhiều lần tuyên bố muốn xoá bỏ hoàn toàn các quy định vàng của EU về kỷ luật ngân sách như việc không để thâm hụt ngân sách hằng năm quá 3% GDP hay nợ công không quá 60%. Tiếp đến, Italy là nước được hưởng lợi nhất từ gói phục hồi kinh tế hậu đại dịch trị giá 750 tỷ euro, nên châu Âu luôn theo dõi rất sát các cải cách tại Italy, coi Italy như là nơi kiểm nghiệm chính xác nhất tính hiệu quả của gói hỗ trợ trên. Dưới thời Thủ tướng Draghi, Italy được xem là đang đi đúng hướng, với các kế hoạch cải cách rất nghiêm ngặt và bài bản. Nhưng với chính phủ mới tại Italy, Uỷ ban châu Âu thực sự lo ngại các kế hoạch cải cách sẽ không được thực hiện.
Chiến thắng của liên minh cánh hữu đã tạo ra bước ngoặt lớn, với việc Italy sẽ có một chính phủ thiên hữu nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Với rất nhiều thách thức cả trước mắt lẫn lâu dài, việc chèo lái con thuyền Italy được xem là một nhiệm vụ khó khăn của chính phủ mới. Dư luận vẫn cần chờ xem, liệu bước ngoặt này có tạo ra được một giai đoạn ổn định, phát triển và phồn vinh tại nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu trong bối cảnh truyền thống bất ổn chính trị khiến Italy có tới 43 đời thủ tướng kể từ năm 1945 đến nay và sắp có thủ tướng thứ tư trong vòng hơn 4 năm qua.