Nhiều nước châu Âu hứng chịu tác động từ đợt nắng nóng kỷ lục

Châu Âu đang trải qua đợt nắng nóng cực đoan, với tháng 6/2025 được Trung tâm Dự báo Khí tượng Trung hạn châu Âu (ECMWF) nhận định có thể nằm trong nhóm 5 tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên lục địa này. Tình trạng nắng nóng đã và đang để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với đời sống người dân, giao thông và cơ sở hạ tầng nhiều nước trong châu lục.

Chú thích ảnh
Theo cơ quan khí tượng Meteo France, nhiệt độ tại Pháp đạt đỉnh trong ngày 1/7/2025, với một số khu vực có thể vượt quá 40 độ C. Đây là lần đầu tiên Paris phát báo động đỏ về nắng nóng trong vòng 5 năm qua. Ảnh: AA/TTXVN

Thời tiết nắng nóng khiến gần 2.000 trường học tại Pháp đã phải đóng cửa vì cơ sở vật chất không đáp ứng được điều kiện thời tiết, trong khi nhiều công trình di tích tạm ngừng đón khách du lịch, trong đó có tòa tháp biểu tượng Eiffel. Nhằm khắc phục một phần ảnh hưởng thời tiết, một số công viên được mở suốt đêm, các bể bơi kéo dài giờ hoạt động, và các trung tâm làm mát tại nhà thờ, bảo tàng được thiết lập để hỗ trợ người dân giữa thành phố bê tông thiếu bóng cây xanh.

Ngành y tế cũng chịu sức ép lớn khi các bệnh viện ghi nhận số ca liên quan đến say nắng và kiệt sức gia tăng. Tại Tây Ban Nha, bi kịch xảy ra khi một bé trai 2 tuổi tử vong do bị bỏ quên trong ô tô giữa thời tiết nắng nóng. Trước đó, hai công nhân tại Tây Ban Nha cũng thiệt mạng do nghi ngờ sốc nhiệt khi làm việc ngoài trời.

Trước tình hình thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, Cơ quan Đường sắt Quốc gia Bỉ (SNCB) đã hủy một loạt chuyến tàu tăng cường giờ cao điểm (tàu P), đồng thời bổ sung thêm các tuyến đến khu vực Biển Bắc. Mặc dù đây là biện pháp phòng ngừa nhằm bảo đảm an toàn vận hành, quyết định này đã gây không ít phiền toái cho hành khách, đặc biệt là những người đi làm trong thời gian cao điểm vừa qua.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, cụ thể, trong 3 ngày đầu tuần (30/6 – 2/7), SNCB đã tạm ngừng khai thác 20 chuyến tàu P đi và đến thủ đô Brussels. Những đoàn tàu này chủ yếu được sử dụng vào giờ cao điểm và có tuổi đời cao, sử dụng vật liệu cũ, khó thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Ông Vincent Bayer, người phát ngôn của SNCB, giải thích: “Các tàu P không chịu nhiệt tốt do được chế tạo từ vật liệu cũ hơn, dễ gặp sự cố khi vận hành trong nhiệt độ cao. Đây là biện pháp phòng ngừa để hạn chế sự cố kỹ thuật trên đường ray và đảm bảo an toàn cho hành khách”.

SNCB khẳng định mạng lưới đường sắt nhìn chung vẫn vận hành ổn định, song một số hành khách đã gặp gián đoạn đáng kể. Các chuyên gia cảnh báo rằng nhiệt độ cao có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống dây điện trên không, làm dây bị giãn hoặc chùng xuống. Để đảm bảo hoạt động tối ưu, các dây này cần được căng hoàn toàn; bất kỳ biến dạng nào cũng có thể dẫn đến gián đoạn hoặc chậm trễ các chuyến tàu.

Tuy nhiên, đối với một số người dân bị ảnh hưởng lịch trình do hoạt động tàu gián đoạn, các giải pháp khắc phục hiện nay chưa đủ hiệu quả, đặc biệt với những người có lịch trình cố định. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, những đợt nắng nóng cực đoan như hiện nay được dự báo sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, đặt ra thách thức lớn cho cơ sở hạ tầng đường sắt vốn đã cũ kỹ tại nhiều nước châu Âu, trong đó có Bỉ.

Trái ngược với việc cắt giảm tàu P, SNCB lại tăng cường các chuyến tàu đến khu vực Biển Bắc nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch và nghỉ mát tăng cao trong thời tiết oi bức. Mỗi ngày, 4 chuyến tàu khứ hồi bổ sung đã được đưa vào hoạt động trên tuyến này.

Trong tháng 7 và tháng 8 hằng năm, SNCB thường xuyên điều chỉnh lịch trình vận tải để phục vụ các điểm đến du lịch và sự kiện văn hóa. Dù vậy, cơ quan này vẫn khuyến nghị hành khách nên chủ động theo dõi thông tin qua ứng dụng hoặc website chính thức, tránh đi lại vào giờ cao điểm và bảo đảm đủ nước trong quá trình di chuyển. Ngoài ra, hành khách được khuyến cáo hạn chế đến các khu vực đông đúc như bờ biển vào các khung giờ cao điểm để tránh tình trạng quá tải.

Thời tiết oi bức đã thiêu đốt khu vực Nam Âu suốt nhiều ngày qua, nay tiếp tục lan ra phía Bắc – nơi hiếm khi ghi nhận những hiện tượng cực đoan như vậy. Thủ đô Paris (Pháp) đã ban bố cảnh báo đỏ - mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo thời tiết gồm 4 cấp, trong khi Bỉ, Thụy Sĩ, Đức, cũng đưa ra cảnh báo nhiệt độ cao.

Giới chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến các đợt nắng nóng trở nên gay gắt và kéo dài hơn, đặc biệt ở các thành phố nơi mật độ xây dựng dày đặc làm gia tăng sức nóng. Cơ quan biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) (C3S) cảnh báo hàng triệu người dân châu Âu đang phải đối mặt với mức độ căng thẳng nhiệt cao và nhiệt độ sẽ vẫn “cao hơn nhiều so với mức trung bình” tại phần lớn châu lục trong những ngày tới.

Hương Giang (TTXVN)
Tháp Eiffel tạm ngừng đón khách vì nắng nóng kỷ lục
Tháp Eiffel tạm ngừng đón khách vì nắng nóng kỷ lục

Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Tháp Eiffel - biểu tượng du lịch nổi tiếng của nước Pháp - đã tạm ngừng đón khách trong hai ngày 1 và 2/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN