Trước thông tin trên, quốc gia láng giềng Uganda đã ngay lập tức ban bố một cảnh báo y tế mới.
Bộ trưởng Y tế Uganda Sarah Opendi xác nhận Lực lượng hỗ trợ y tế quốc gia của nước này đã thảo luận và thống nhất các biện pháp cần thực hiện để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, đồng thời cho biết nhà chức trách yêu cầu các nhân viên y tế nâng cao cảnh giác, tích cực tuyên truyền để người dân và cộng đồng có ý thức phòng ngừa trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh do virus Ebola gây ra.
Khi có bất kỳ trường hợp nào nghi nhiễm bệnh, yêu cầu người dân cần sớm thông báo cho các nhân viên y tế để thăm khám và có biện pháp cách ly kịp thời.
Hiện nhân viên y tế tại các khu vực biên giới phía Tây Uganda cũng đang tăng cường giám sát những người đến từ CHDC Congo nhập cảnh vào nước này.
Theo kế hoạch, Bộ Y tế Uganda sẽ triển khai hoạt động phòng ngừa Ebola tại sân bay quốc tế Entebbe, cách thủ đô Kampala 40 km về phía Nam.
Ebola bùng phát lần gần đây nhất ở Uganda hồi năm 2012, khiến hơn 20 người tử vong.
Cùng ngày, Rwanda đã bắt đầu đưa vào hoạt động các máy đo thân nhiệt tại các khu vực biên giới của nước này với CHDC Congo, để ngăn ngừa nguy cơ lây lan virus Ebola.
Sân bay quốc tế Kigali của Rwanda cũng sẽ tiếp tục áp dụng công nghệ đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế này nhằm chủ động ứng phó và phòng ngừa dịch bệnh trên.
Chính phủ Rwanda ra tuyên bố tất cả các du khách nhiễm cúm sẽ không được phép nhập cảnh vào Rwanda và tất cả những người từng tới các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại CHDC Congo trong vòng 22 ngày trước cũng không được phép đi trên các chuyến bay tới nước này.
Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan Y tế Ghana (GHS) cũng đã ban bố cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch bệnh Ebola, đồng thời kêu gọi giới chức các vùng sẵn sàng ứng phó.
Bệnh do virus Ebola rất nguy hiểm, gây tử vong cao ở người, với tỷ lệ tử vong lên đến hơn 90%. Dịch bệnh Ebola xuất hiện lần đầu tại Sudan và CHDC Congo vào năm 1976.
Giai đoạn 2014-2015, đợt bùng phát dịch bệnh Ebola tại khu vực Tây Phi được coi là lớn nhất và phức tạp nhất, cướp đi sinh mạng gần 11.300 người trong tổng số hơn 18.000 trường hợp bệnh, đặc biệt là 3 quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone. Đại dịch này cơ bản được khống chế vào cuối năm 2015. Hiện chưa có vaccine phòng chống căn bệnh này.