Tổng thống Braxin Dilma Rousseff ngày 18/11 đã ký luật thành lập Ủy ban sự thật nhằm tìm kiếm chứng cứ xác thực để làm rõ trách nhiệm trong những tội ác dưới chế độ độc tài quân sự ở nước này giai đoạn 1964-1985.
Nghị viện Braxin đã thông qua việc thành lập ủy ban trên với 7 thành viên, dựa theo mô hình Ủy ban hòa giải thời kỳ hậu Apácthai (Apartheid) của Nam Phi.
Bà Rousseff từng chịu cảnh tù đày và bị tra tấn 22 ngày bằng điện dưới chế độ độc tài quân sự. Nguồn Internet.
|
Theo luật trên, Ủy ban sự thật có quyền được triệu tập các nhân chứng để điều tra những tội ác chiến tranh, song giống như luật ân xá, luật này không có quyền hạn trong việc xét xử hoặc kết án các nghi phạm. Tổng thống Braxin cho biết sẽ phải cân đối lợi ích lâu dài của việc tiến hành điều tra để tránh việc các nạn nhân bị trả thù. Vì lý do này, Ủy ban sự thật điều tra tội ác của chế độ độc tài quân sự của Braxin sẽ hoạt động giới hạn hơn so với các nước láng giềng như Áchentina hay Chilê.
Ủy ban trên có 2 năm để chuẩn bị báo cáo về tội phạm nhân quyền trong giai đoạn 1964-1985 dựa trên các thu thập tài liệu của các cơ quan công, bao gồm các nhân chứng và điều tra công khai cũng như chuyên môn.
Hơn 20.000 người Braxin được cho là đã bị tra tấn bằng sốc điện và hóa chất. Khoảng 500 người đã bị giết hoặc mất tích trong giai đoạn độc tài quân sự 1964-1985 ở quốc gia Nam Mỹ này. Chính bà Rousseff , một cựu tù binh thuộc phong trào cánh tả Braxin, cũng từng chịu cảnh tù đày và bị tra tấn 22 ngày bằng điện dưới chế độ độc tài quân sự.
Ngay khi lên nắm quyền hồi đầu năm nay, bà đã khẳng định việc thành lập ủy ban điều tra tội ác của chế độ độc tài quân sự là một trong những ưu tiên. Braxin chưa bao giờ xét xử hay kết án bất kỳ cá nhân nào tham gia chế độ độc tài quân sự, và cũng chưa cho công khai các tài tiệu của quân đội trong giai đoạn này.
Trong một diễn biến liên quan, Liên hợp quốc ngày 18/11 đã đánh giá cao cam kết của Braxin về bảo vệ nhân quyền trong việc thành lập Ủy ban sự thật để điều tra các vi phạm nhân quyền trong giai đoạn 1964-1985. Cao ủy LHQ về Nhân quyền Navi Pillay nhận định việc thành lập cơ quan trên là một bước quan trọng nhằm xoa dịu các vết thương gây ra trong giai đoạn trên và làm rõ các sai lầm của quá khứ./.
TTXVN