China Eastern Airlines, hãng hàng không vận hành chiếc may bay Boeing 737-800 gặp sự cố vào ngày 21/3 khiến toàn bộ 132 người trên máy bay thiệt mạng, đã đưa ra quyết định ngừng hoạt động mẫu máy bay nói trên. Nguyên nhân vụ rơi máy bay vẫn chưa được quyết định, và lệnh cấm bay này có thể được dỡ bỏ nếu vụ việc này không phải do lỗi kỹ thuật gây ra.
Nhưng Boeing có rất nhiều vấn đề khác tại Trung Quốc, thị trường hàng không lớn nhất thế giới. “Ông lớn” này đang gần như mất dần chỗ đứng tại đây, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc về cơ bản đã đóng băng doanh số của Boeing tại nước này suốt bốn năm qua. Boeing chưa bán được đơn hàng nào cho một hãng hàng không Trung Quốc kể từ tháng 11/2017. Phải đến 6 tháng trước, Boeing mới dự đoán thị trường Trung Quốc sẽ mua lượng đơn hàng máy bay tương mại trị giá 1.500 tỷ USD trong 20 năm tới.
Việc lắp ráp một chiếc máy bay và giao hàng phải mất một thời gian dài sau khi nhận được đơn đặt hàng, và Boeing đã tiếp tục giao máy bay cho các hãng hàng không và công ty cho thuê máy bay của Trung Quốc trong năm 2018 và đầu năm 2019. Nhưng chỉ 40 chiếc trong số đó được giao kể từ tháng 3/2019. Đó là khi giới chức hàng không trên toàn thế giới cấm bay đối với dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing là 737 Max sau hai vụ rơi máy bay do lỗi thiết kế. Tình trạng cấm bay này kéo dài suốt 20 tháng. Sau đó, Cơ quan quản lý hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã cho phép 737 Max bay trở lại vào tháng 11/2020, và hầu hết các cơ quan hàng không ở các nước khác cũng đã có động thái tương tự. Các hãng hàng không sở hữu máy bay 737 Max đã sớm vận hành trở lại loại máy bay này.
Nhưng không phải ở Trung Quốc, nơi mà cơ quan quản lý hàng không, một trong những cơ quan đầu tiên cấm bay đối với máy bay 737 Max sau vụ rơi máy bay thứ hai, đã đợi thêm một năm nữa mới cho phép máy bay này hoạt động lại. Các hãng hàng không tại Trung Quốc vẫn chưa vận hành trở lại máy bay 737 Max. Công ty nghiên cứu Melius Research dự đoán sự trì hoãn này sẽ còn kéo dài trong khi sự cố rơi máy bay lần này đang được điều tra, ít nhất là cho đến khi xác định được một nguyên nhân nào đó.
Việc đánh mất một thị trường quan trọng như Trung Quốc sẽ là một “đòn giáng mạnh” đối với Boeing, vốn đã gặp “vận đen” hết lần này đến lần khác trong suốt ba năm qua, bắt đầu với các vụ rơi máy bay 737 Max và sau đó là đại dịch COVID-19, khiến nhu cầu bay giảm trầm trọng và đè nặng lên tình hình tài chính của các hãng hàng không. Gần đây, Boeing còn gặp nhiều vấn đề với mẫu máy bay mới nhất là 787 Dreamliner, khiến hoạt động giao hàng bị tạm dừng.
Trong năm 2017 và 2018, Trung Quốc chiếm hơn 20% tổng số máy bay giao hàng của Boeing trên toàn thế giới. Nhưng kể từ đầu năm 2020, tỷ lệ này đã giảm xuống còn chưa đến 5%. Nhiều chuyên gia tin rằng Boeing đã đạt được các thỏa thuận bán máy bay cho các hãng hàng không Trung Quốc trong bốn năm qua, thông qua một công ty cho thuê máy bay hoặc qua các thỏa thuận bán hàng mà tên người mua không được công bố. Nhưng ông Richard Aboulafia, chuyên gia phân tích về hàng không vũ trụ của công ty tư vấn AeroDynamic Advisory, cho biết không có một đơn hàng mua máy bay nào được chính thức thực hiện mà không có sự chấp thuận từ Chính phủ Trung Quốc, vốn xem các thỏa thuận mua máy bay là “đòn bẩy” trong các cuộc đàm phán với Mỹ về các vấn đề thương mại nói chung.
Theo nhiều chuyên gia, tình hình cấm bay hiện tại càng kéo dài, Boeing càng có nguy cơ đánh mất thị trường Trung Quốc. Thường thì các hãng hàng không không muốn thay đổi nhà sản xuất máy bay vì một sự thay đổi then chốt như vậy sẽ làm tăng chi phí như phí đào tạo phi công. Vì thế, nếu một khách hàng Trung Quốc đã sở hữu máy bay của Boeing bắt đầu mua máy bay từ đối thủ Airbus, đây sẽ là một sự thay đổi dài hạn không dễ dàng đảo ngược và là một quyết định do Chính phủ Trung Quốc đưa ra, chứ không phải là bản thân các hãng hàng không.
Ông Aboulafia và nhiều chuyên gia khác dự đoán Boeing cuối cùng cũng sẽ phục hồi phần nào doanh số tại Trung Quốc, nhưng với con số thấp hơn nhiều so với vài năm trước. Theo ông Ronald Epstein, chuyên gia về hàng không vũ trụ của ngân hàng Bank of America, Trung Quốc “có thể mua một số máy bay từ Airbus, nhưng họ không thể mua toàn bộ máy bay của mình từ Airbus". Ông Aboulafia ví von mối quan hệ giữa Trung Quốc và Boeing như “một cuộc hôn nhân tồi tệ nhưng không có khả năng ly hôn”.
Tin tốt duy nhất đối với Boeing là lĩnh vực hàng không của Trung Quốc đã không còn quan trọng như viễn cảnh 10 năm trước, khi các chuyên gia dự đoán thị trường này sẽ chiếm 30% tổng đơn hàng mua máy bay trên toàn thế giới. Trên thực tế, ông Aboulafia cho biết ngành hàng không Trung Quốc đã giảm tốc từ trước cả đại dịch, từ mức tăng trưởng 12,2% vào quý IV/2018 xuống còn 5,3% một năm sau đó, tức ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Nếu Boeing mất phần lớn thị trường Trung Quốc trong dài hạn, “ông lớn” này sẽ bị đẩy xuống vị trí thứ hai sau Airbus. Thị trường máy bay thương mại toàn cầu luôn duy trì thế song quyền giữa hai công ty này. Và việc đứng ở vị trí thứ hai sẽ là một bất lợi lâu dài về cạnh tranh của Boeing.