Thảm họa MU5735 tại Trung Quốc: Vận đen chưa thôi đeo bám Boeing

Chưa phát hiện ra lỗi khiến máy bay mang số hiệu MU5735 của hãng hàng không Trung Quốc China Eastern gặp nạn. Nhưng Boeing sẽ tiếp tục bị soi xét khi vẫn đang tìm cách thoát khỏi những rắc rối về thiết kế và sản xuất,.

Chú thích ảnh
Mảnh vỡ thuộc về chiếc máy bay Boeing 737-800 gặp sự cố ở vùng đồi núi tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày 21/3. Ảnh AP

Vụ tai nạn của chiếc Boeing 737-800 NG của hãng hàng không China Eastern Airlines hôm 21/3 là khủng hoảng mới nhất đối với hãng chế tạo máy bay của Mỹ, làm dấy lên viễn cảnh nhà chức trách lại rà soát, siết chặt quy định và đẩy công ty này tới một thảm hóa khác liên quan đến máy bay do Boeing chế tạo.

Sẽ phải mất vài tuần, thậm chí nhiều tháng, để các điều tra viên xác định rõ nguyên nhân khiến máy bay mang số hiệu MU5737 rơi gần thành phố Ngô Châu, vùng Quảng Tây khi đang bay từ Côn Minh ở tỉnh Vân Nam đến trung tâm công nghiệp Quảng Châu dọc theo bờ biển phía đông Trung Quốc.

Nhưng kết quả điều tra có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới Boeing. Trong vài năm gần đây, Boeing phải đối mặt với nhiều rắc rối liên quan đến dòng máy bay 737 Max, phải trì hoãn chế tạo và chuyển giao cho khách hàng dòng máy bay thân rộng hai lối đi 787 Dreamliner.

“Tôi nghĩ rằng việc tìm hiểu rõ điều gì đã thực sự diễn ra đằng sau những sự cố, tai nạn kiểu này là cần thiết, bởi đó còn là những quan ngại về uy tín. Tôi tin rằng cộng đồng đầu tư sẽ tạm dừng đơn đặt hàng của Boeing cho đến khi có đầy đủ thông tin được công bố”, Rob Spingarn, Giám đốc điều hành Melius Research – một công ty phân tích tài chính có trụ sở tại New York, Mỹ, nhận định.

Có hàng nghìn máy bay 737-800 NG đã được Boeing cho ra thị trường toàn cầu, hoạt động an toàn trong nhiều thập kỉ gần đây. Nhiều chuyên gia và giới phân tích trong ngành hàng không ngần ngại kết luận rằng vụ tai nạn với máy bay MU5737 không có lỗi liên quan đến thiết kế. Nhưng cổ phiếu của Boeing vẫn rớt giá 3,6% ngay sau khi xuất hiện thông tin về thảm kịch khiến 132 hành khách và phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay MU5737 thiệt mạng.

Là biểu tượng của kỉ nguyên hàng không, Boeing là hãng xuất khẩu chế tạo lớn nhất ở Mỹ, nhà tuyển dụng nhân công hàng đầu tại Mỹ, với cổ phiếu thuộc diện blue chip (có vốn hóa, ảnh hưởng lớn tới thị trường) trên sàn chứng khoán Mỹ. Boeing cũng là nhà thầu lớn nhất của chính phủ Mỹ.

Năm 2021 được coi là năm thành công nhất của Boeing về doanh số tính từ năm 2018, với 535 máy bay được đặt mua. Nhưng ông lớn của ngành hàng không Mỹ này cũng gặp phải nhiều bước lùi, trong đó có khoản chi phí tăng thêm 3,5 tỉ USD trong quý 4, do trì hoãn việc giao các đơn hàng Dreamliner, khiến công ty phải chịu khoản lỗ 4,2 tỉ USD trong quý.

Ngoài những rắc rối với hai dòng máy bay Max và Dreamliner chủ lực, Boeing còn phải đối diện với khó khăn chung của ngành do tác động của đại dịch, việc di chuyển bằng đường hàng không mới chỉ hồi phục chậm, gần chạm mốc của năm 2019, các hãng cắt giảm chi tiêu mua sắm tàu bay mới.

Những rắc rối gần đây của Boeing bắt đầu với dòng 737 Max, khiến hãng bị chỉ trích dữ dội sau vụ rơi máy bay tại Indonesia cuối năm 2018, kế đến là một vụ tương tự ở Ethiopia vào tháng 3/2019. Toàn bộ 346 hành khách và phi hành đoàn có mặt trên hai chuyến bay này đều thiệt mạng. Máy bay Boeing 737 Max rơi vào tình cảnh “nằm bãi” trên toàn cầu sau sự cố ở Ethiopia.

Chú thích ảnh
Máy bay Boeing 737 MAX thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên ở châu Âu. Ảnh: DPA/TTXVN

Hai thảm họa hàng không khơi lại những quy định về rà soát cấp phép. Boeing đối mặt với kiện tụng, mất hàng tỉ USD tiền phạt, tiền bồi thường và mất đơn hàng. Đến cuối năm 2020, Mỹ chấp thuận để Boeing 737 Max tiếp tục được bay, nhưng yêu cầu Boeing thay đổi nhất định với khâu đào tạo lái máy bay và thiết kế phần mềm. Sau Mỹ, nhiều nước cũng dỡ bỏ lệnh cấm bay với dòng 737 Max. Riêng Trung Quốc, phải đến tháng 12/2021 nhà chức trách mới chấp thuận tiếp tục khai thác dòng máy bay 737 Max.

Boeing ngày 21/3 cho biết hãng đang phối hợp với China Eastern Airlines và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), đầu mối phụ trách các nỗ lực từ phía Mỹ trong hỗ trợ điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn đối với máy bay mang số hiệu MU5735. NTSB cho biết đã chỉ định một điều tra viên cao cấp làm đại diện phụ trách điều tra. Boeing cũng khẳng định nhóm chuyên gia kỹ thuật của hãng sẵn sàng hỗ trợ Tổng cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc trong tiến trình điều tra.

Boeing 737-800 NG được coi là “ngựa thồ” của bầu trời. Trong khoảng thời gian từ năm 1998-2020, Boeing đã đưa ra thị trường gần 5.000 máy bay này, nhiều hơn bất kỳ máy bay thương mại nào khác của hãng. Cùng với 737 Max, Boeing 737-800 NG được các hãng hàng không đặc biệt quan tâm nhờo khả năng chở khách cũng như tầm bay. Mẫu máy bay một lối đi này thường được sử dụng cho các chặng bay nội địa, nhưng một số hãng cũng sử dụng cho các chặng bay quốc tế ngắn.

Theo thống kê, Boeing 737-800 NG chiếm 17% trong tổng số đội tàu bay khoảng 25.000 chiếc trên toàn cầu. Trung Quốc là nơi tiêu thụ nhiều nhất dòng máy bay thương mại này, với 1.200 chiếc, kế đến là châu Âu – gần 1.000 chiếc và Mỹ khoảng 800 chiếc. Trung Quốc cũng là thị trường lớn thứ hai của Boeing, sau Mỹ.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (NYT)
China Eastern Airlines tạm dừng khai thác máy bay Boeing 737-800
China Eastern Airlines tạm dừng khai thác máy bay Boeing 737-800

Theo hãng tin Reuters, ngày 22/3, hãng hàng không Trung Quốc China Eastern Airlines đã thông báo tạm dừng khai thác tất cả máy bay thuộc dòng Boeing 737-800 của hãng sau vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng trước đó một ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN