Kênh RT (Nga) cho biết Ngoại trưởng Pompeo ngày 13/10 đã đề cập đến việc cần bảo vệ tính toàn vẹn của các viện xã hội dân sự và cho biết những tổ chức muốn hợp tác với Bộ Ngoại giao cần công khai trên trang web nguồn tiền tài trợ có nguồn gốc từ những thực thể thuộc chính phủ nước ngoài hoặc là chi nhánh của nhà nước nước ngoài.
Ngoại trưởng Pompeo nói ông lưu ý đến việc một số chính phủ nước ngoài như Trung Quốc và Nga tìm cách gây ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại Mỹ qua các chuyên gia, nhà vận động hành lang và viện nghiên cứu.
Chính sách mới mà Ngoại trưởng Mỹ đề cập khác với các yêu cầu hiện có trong Đạo luật Đăng ký đại diện nước ngoài (FARA). FARA không cấm hợp tác với những thực thể từ chối công khai nguồn tiền tài trợ nhưng nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ được yêu cầu lưu tâm tới vấn đề này khi quyết định có hợp tác không và hợp tác thế nào.
Bà Sarah Margon thuộc Quỹ Xã hội mở George Soros đánh giá rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ ngày 13/10 nhằm vào Bắc Kinh và Moskva là “nông cạn” bởi chưa đề cập đến cả những quốc gia khác cũng tài trợ nhiều cho các viện nghiên cứu của Mỹ như Israel, Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Trong một báo cáo dài 30 trang do Trung tâm Chính sách Quốc tế tổng hợp và công khai vào tháng 2 về các quốc gia tài trợ cho các viện nghiên cứu Mỹ, Trung Quốc được nhắc tới 3 lần, còn Anh, Qatar và UAE được nhắc nhiều nhất, Nga không có tên trong danh sách.