Theo báo Bloomberg, cuộc thử nghiệm này là tín hiệu cho thấy quốc gia châu Á có phần nới lỏng quyền truy cập vào các trang web nước ngoài đối với người dân nước mình. Tất nhiên, nội dung truy cập vẫn được kiểm duyệt và hạn chế.
Cuối tháng 9 vừa qua, ứng dụng lướt web Tuber ra mắt tại cửa hàng trực tuyến Huawei. Ứng dụng này là sản phẩm của công ty công nghệ 360 Security có liên kết với chính phủ Trung Quốc. Khi tải ứng dụng này về, người sử dụng Internet tại Trung Quốc có thể truy cập các trang mạng từ Facebook, Google cho đến báo Mỹ New York Times mà không phải sử dụng đến hệ thống mạng riêng ảo bất hợp pháp VPN.
Ngay sau khi ra mắt, ứng dụng đã thu hút 5 triệu lượt người tải về sử dụng. Mặc dù ứng dụng này đã bị gỡ khỏi cửa hàng trực tuyến vào ngày 10/10 vừa qua song việc phát triển Tuber cho thấy Bắc Kinh đang hướng tới quyền tự do Internet lớn hơn.
“Việc phát triển ứng dụng Tuber rất đáng quan tâm vì đây có thể được coi là một cách nhìn cởi mở hơn. Nhưng với các mà ứng dụng nay hoạt động, thông tin vẫn sẽ được sàng lọc trước khi xuất hiện trên màn hình người sử dụng”, ông Fergus Ryan, một nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho hay.
Người phát triển ứng dụng Tuber là nhà tỷ phú Zhou Hongyi – từng cam kết mình điều hành công ty vì lợi ích quốc gia. Không giống như công ty Qihoo phát triển và phân phối ứng dụng mà không có sự ủng hộ của Bắc Kinh, 360 Security được cho là đã làm việc trong các dự án cho quân đội Trung Quốc và tư vấn cho Bắc Kinh về các vấn đề an ninh mạng nhạy cảm. Hồi tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt hai công ty của nhà tỷ phú Zhou vào danh sách 24 thực thể Trung Quốc bị trừng phạt.
Hiện vẫn chưa rõ liệu rằng có đơn vị nhà nước nào yêu cầu gỡ Tuber. Một nhân viên PR tại 360 Security từ chối bình luận về thông tin trên. Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc cũng chưa có phản hồi.
Tuber được cho là kiểm duyệt một số nội dung, bao gồm nội dung trên YouTube. Ứng dụng cũng yêu cầu đăng ký số điện thoại di động và quyền truy cập vào danh bạ của người dùng.
Yik Chan Chin, một nhà nghiên cứu chính sách truyền thông tại Đại học Giao thông Tây An ở Tô Châu, cho biết: “Trung Quốc phải thực sự thận trọng trong việc cân bằng giữa việc mở cửa và duy trì trật tự xã hội trong nước. Điều quan trọng là phải giải phóng luồng thông tin và để người Trung Quốc tương tác nhiều hơn với thế giới bên ngoài”.