Theo đó, Alibaba sẽ là nhà đầu tư duy nhất trong vòng gọi vốn này của Grab và sẽ chi một phần trong ngân quỹ để mua lại một số cổ phần của Grab hiện do Uber nắm giữ. Nếu thành công, thương vụ này sẽ là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Alibaba vào khu vực Đông Nam Á từ sau khoản đầu tư vào Lazada năm 2016.
Grab đã từ chối bình luận về thông tin trên, trong khi Alibaba và Uber cũng chưa lên tiếng. Trước đó, Grab ước tính giá trị cổ phần của Uber lên tới 14 tỷ USD.
Các công ty kinh doanh dịch vụ taxi công nghệ hàng đầu thế giới đã trải qua nhiều năm cạnh tranh "hao tiền tốn của" ở thị trường của nhau, trước khi các hãng này nhất trí sẽ đứng ngoài thị trường cốt lõi của mỗi hãng. Thỏa thuận chấm dứt cạnh tranh này đã dẫn tới việc năm 2018, Grab mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, đổi lại Uber sở hữu 27,5% cổ phần của Grab sau thương vụ này.
Trong khi đó, Softbank (Nhật Bản) - nhà đầu tư vào tất cả các công ty kinh doanh dịch vụ taxi công nghệ lớn nhất thế giới - lại tận dụng vị trí cổ đông lớn của mình để thúc đẩy Uber từ bỏ cổ phần trong Grab, Didi Chuxing của Trung Quốc và Yandex của Nga. Tháng 4 vừa qua, Uber cho biết ước tính giá trị của các khoản đầu tư đó có thể giảm tới 2,2 tỷ USD do dịch vụ xe công nghệ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Về phần mình, trong những năm qua, Grab đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang các dịch vụ tài chính, giao đồ ăn và thanh toán di động, ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 tác động tới hoạt động gọi xe của công ty. Tháng 6 vừa qua, Grab thông báo giảm 5% nhân sự trong nỗ lực cắt giảm chi phí giữa lúc tốc độ tăng trưởng chững lại.