Tổng thống Trump đã gây sức ép với các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Trung Quốc, như cam kết cấm ứng dụng TikTok tại Mỹ. Trước đó, ngày 14/8, Mỹ yêu cầu ByteDance phải thoái vốn các hoạt động của TikTok tại nước này trong vòng 90 ngày, nỗ lực mới nhất để tăng cường sức ép đối với doanh nghiệp Trung Quốc này, liên quan tới những quan ngại về tính an toàn của dữ liệu cá nhân.
Cũng trong ngày 15/8, Tổng thống Trump đã một lần nữa “chĩa mũi dùi” vào ByteDance của Trung Quốc bằng việc ban hành một sắc lệnh mới yêu cầu công ty này phải từ bỏ quyền lợi trong ứng dụng video karaoke Musical.ly mà tập đoàn này đã mua và hợp nhất với nền tảng chia sẻ video TikTok sau này.
ByteDance đã mua ứng dụng Musical.ly từ một đối thủ Trung Quốc khoảng ba năm trước theo một thỏa thuận trị giá gần 1 tỷ USD. Công ty sau đó đã đưa ứng dụng này hợp nhất với TikTok, ứng dụng sau đó trở thành cơn sốt toàn cầu.
Theo Tổng thống Trump, ông có "bằng chứng đáng tin cậy" cho thấy việc ByteDance tiếp quản Musical.ly có nguy cơ làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ.
Sắc lệnh có hiệu lực trong vòng 90 ngày và nghiêm cấm việc ByteDance mua lại Musical.ly cũng như có bất kỳ quyền lợi nào từ ứng dụng này. Tổng thống Trump đã ra lệnh rằng bất kỳ hoạt động mua bán các quyền lợi nào liên quan đến Musical.ly ở Mỹ đều phải được Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) cho phép. Sắc lệnh cũng yêu cầu phía ByteDance phải hủy mọi dữ liệu người dùng đã lưu.
Sắc lệnh trên được xây dựng dựa trên một sắc lệnh khác do chính Tổng thống Trump ban hành vào tuần trước, trong đó yêu cầu TikTok và ứng dụng WeChat của TenCent phải chấm dứt mọi hoạt động ở Mỹ.
Với sắc lệnh trước, ông chủ Nhà Trắng đã cho các doanh nghiệp Mỹ 45 ngày để ngừng hoạt động kinh doanh với các nền tảng trên, đồng thời đặt ra thời hạn ngày 15/9 cho việc thương thảo mua lại TikTok của Microsoft. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ cấm ứng dụng này từ ngày 15/9 tới bất chấp các nghị sĩ đảng Cộng hòa bày tỏ lo ngại các hậu quả chính trị tiềm ẩn. Động thái này cũng làm dấy lên nghi ngờ về hoạt động tại Mỹ của công ty mẹ của WeChat, Tencent - một cái tên quyền lực trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử và cũng là một trong những công ty giàu có nhất thế giới.