Biểu tình tại Mỹ ngày 10: Tuần hành lắng dịu, thêm sức ép đòi cải cách lực lượng cảnh sát

Biểu tình tại Mỹ bước sang ngày thứ 10, với nhiều hoạt động tưởng niệm dành cho George Floyd diễn ra trong ngày 4/6 (giờ địa phương).

Chú thích ảnh
Lễ tưởng niệm George Floyd được tổ chức tại Đại học North Central. Ảnh: AFP

Tại Minneapolis, bang Minnesota, hàng trăm người đã tới dự buổi lễ tưởng niệm George Floyd được tổ chức tại Đại học North Central. Họ dành đúng 8 phút 46 giây mặc niệm cho người đàn ông da đen quá cố, như một sự ghi nhớ về khoảng thời gian Floyd bị viên cảnh sát ghì cổ cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. 

Ngoài các thành viên trong gia đình, buổi lễ còn có sự hiện diện của nhiều khách mời, trong đó có thủ lĩnh hoạt động dân quyền Jesse Jackson và Al Sharpton, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Ilhan Omar, nhà hoạt động dân sự Martin Luther King III và diễn viên Kevin Hart. 

Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hoạt động tưởng niệm George Floyd trên đất Mỹ. Tại buổi lễ, ông Sharton - người sáng lập Mạng lưới Hành động Quốc gia, cho biết ông sẽ cùng với gia đình nạn nhân sẽ tổ chức một cuộc tuần hành tại thủ đô Washington D.C vào ngày 28/8 tới, đúng dịp kỉ niệm 57 năm phong trào tuần hành dân sự, nhằm kêu gọi thông qua một đạo luật liên bang về công lý cảnh sát. 

Tại Portsmouth, bang New Hampshire, đám đông vẫn tuần hành dưới trời mưa để biểu thị ủng hộ đòi công bằng cho George Floyd và người da màu. Người tuần hành cũng tiếp tục đổ ra đường phố tại Atlanta, bang Georgia, với sự tham gia của cả thị trưởng thành phố Keisha Lance Bottoms. Còn tại thủ đô Washington D.C, người biểu tình tụ hợp ở Đài tưởng niệm Lincolh, nhưng giải tán trước khi trời tối do có mưa lớn. 

New York là nơi có biểu tình hòa bình quy mô lớn nhất. Hàng nghìn người đã tham gia tuần hành trên cầu Brooklyn sau khi kết thúc buổi cầu nguyện dành cho George Floyd được tổ chức tại khu Cadman Plaza, quận Brooklyn vào chiều ngày 4/6. Buổi lễ có sự tham gia của Thị trưởng Bill de Blasio và phu nhân Chirlane McCray. Trước đó, cảnh sát thành phố New York đã bắt giữ 380 người biểu tình.

Nhiều thành phố đã dỡ lệnh giới nghiêm. Los Angeles và thủ đô Washington DC là hai thành phố mới nhất tuyên bố lệnh giớ nghiêm hết hiệu lực vào tối ngày 4/6. Trước đó, thị trưởng thành phố Oakland, Seattle và San Francisco cũng đưa ra các quyết định tương tự. 

Chú thích ảnh
Người biểu tình tuần hành trên cầu Brooklyn, New York. Ảnh: Getty Images

Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) chi nhánh Washington D.C trong ngày đã thay mặt phong trào “Mạng sống của người da đen cũng đáng quý” (Black Lives Matter ) và người biểu tình ôn hòa bị giải tán bằng đạn cao su, hơi cay phát đơn kiện nhằm vào Tổng thống Trump, Bộ trưởng Tư pháp Barr và một số quan chức liên bang khác.

Scott Michelman - Giám đốc pháp lý của đơn vị này cáo buộc hành động tấn công vô cớ, vi hiến của tổng thống và chính quyền nhằm vào người biểu tình chỉ vì họ có quan điểm khác biệt đã làm đảo lộn trật tự hiến pháp quốc gia. 

Về phần mình, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp William Barr lên tiếng bảo vệ quyết định điều động cảnh sát giải tán người biểu tình tại công viên Lafayette Park gần Nhà Trắng. Ông cho biết các nhân viên thực thi pháp luật đã bắt giữ 51 người trên phạm vi toàn quốc với các cáo buộc liên bang liên quan đến hành vi, tội danh bạo loạn. 

Cùng với biểu tình, tuần hành, nhiều lực lượng chính trị tại Mỹ - nhất là đảng Dân chủ, cũng lên tiếng kêu gọi thực thi các cải cách trong hệ thống thực thi pháp luật, nhất là cảnh sát. Phát biểu trước số đối tượng chủ yếu là người da màu trên buổi truyền hình trực tuyến do hãng Shade Room tổ chức, ứng cử viên Joe Biden cho rằng đây là thời điểm để hành động, nhằm không để xảy ra một vụ việc tương tự như George Floyd.

Theo ông Biden, cái chết của Floyd là lời thức tỉnh với mọi người dân Mỹ. Ông kêu gọi thực hiện cải cách đối với ngành cảnh sát, trong đó có việc rà soát lại quy trình, cách thức tuyển mộ, thuê mướn và huấn luyện, cùng với đó là yêu cầu buộc nhân viên “xấu” phải lãnh trách nhiệm. 

Trong một diễn biến khác, các nghị sĩ Dân chủ, đứng đầu là Nhóm Nghị sĩ châu Phi, đang chuẩn bị đưa ra một chương trình cải cách trọn gói đối với lực lượng cảnh sát Mỹ. Dự thảo đang trong quá trình hoàn thiện và được xem là nỗ lực tham vọng nhất trong nhiều năm gần đây để giám sát quy trình hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật. Hai Thượng nghị sĩ Cory Booker và Kamala Harris dự kiến sẽ công bố gói cải cách này trong vài ngày tới, trước khi trình dự luật ra Hạ viện. 

Sẽ có nhiều thay đổi được đề ra đối với lực lượng cảnh sát, trong đó có quy định mới về trách nhiệm của cảnh sát, rà soát lại các điều khoản miễn trừ, tạo lập cơ sở dữ liệu liên quan đến các vụ việc cảnh sát sử dụng vũ lực, yêu cầu về huấn luyện, đào tạo, việc cấm sử dụng các thủ thuật gây tắt thở….

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Những vũ khí phi sát thương nguy hiểm mà cảnh sát Mỹ dùng với người biểu tình
Những vũ khí phi sát thương nguy hiểm mà cảnh sát Mỹ dùng với người biểu tình

Những vũ khí như đạn cao su, lựu đạn gây choáng hay hơi cay dù được gọi là phi sát thương nhưng cũng có thể gây nguy hiểm đáng kể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN