Cuộc "cách mạng hoa nhài" của người dân Tuynidi đang gây tác động đến nhiều nước Arập trong khu vực, từ Ai Cập, Yêmen cho đến Angiêri. Lo ngại tác động dây chuyền, một số chính quyền Arập đang tìm cách đối thoại với người dân.
Ngày 28/1, hàng chục nghìn người Ai Cập biểu tình chống chính phủ đã đổ xuống các đường phố trên cả nước trong ngày biểu tình thứ tư. Người biểu tình đã ném gạch đá vào cảnh sát buộc các lực lượng chống bạo động phải đáp trả bằng đạn súng cao su và hơi cay, một người biểu tình đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Một số xe của cảnh sát bị đốt cháy.
Kênh truyền hình quốc gia Ai Cập đưa tin Tổng thống Hosni Mubarak đã ra lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 6 giờ chiều đến 7 giờ sáng, tại thủ đô Cairô, thành phố cảng Alexandria và thành phố Suez. Theo AFP, những người biểu tình cũng đã phóng hỏa đốt tòa nhà toàn quyền ở trung tâm thành phố Alexandria, tạo ra một khủng cảnh hỗn loạn tại thành phố cảng này.
Công ty giám sát Internet có trụ sở ở New Hampshire - Renesys cho biết 4 nhà cung cấp dịch vụ Internet chính của Ai Cập là Link Egypt, Vodafone/Raya, Telecom Egypt, Etisalat Misr đã cắt đường truy cập quốc tế tới khách hàng. Theo ông James Cowie của Renesys, tất cả các đường kết nối tới các mạng của Ai Cập từ 22 giờ 34 GMT ngày 27/1 đã bị tê liệt. Các mạng điện thoại di động tại Ai Cập ngày 28/1 cũng bị nghẽn trầm trọng.
Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động tại Cairô ngày 28/1. Ảnh: AFP - TTXVN |
"Phong trào 6/4”, một tổ chức thanh niên dân chủ, đã huy động hơn 15.000 người xuống đường biểu tình, kêu gọi dân chúng theo gương Tuynidi, lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Muslim Brotherhood, phong trào đối lập hàng đầu tại Ai Cập, lần đầu tiên đã kêu gọi các thành viên tham gia biểu tình. Khoảng 1.000 người đã bị bắt giữ kể từ khi các cuộc biểu tình bùng phát hôm 25/1.
Các lực lượng an ninh đã ngăn người biểu tình vào trung tâm thủ đô Cairô, nhưng các vụ đụng độ đã xảy ra tại thành phố Suez, Ismailiya và Sinai. Tình hình náo loạn trên đường phố còn ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Ai Cập, khiến thị trường phải đóng cửa với mức sụt giảm hơn 10%.
Trong khi đó, hàng ngàn người Yêmen dưới ảnh hưởng của các sự kiện đang diễn ra ở Tuynidi và Ai Cập đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn kêu gọi Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức.
Cuộc biểu tình nổ ra 1 ngày sau khi một thanh niên 28 tuổi tự thiêu ở thành phố cảng Aden nhưng được những người xung quanh kịp thời dập lửa cứu sống. Đây là vụ tự thiêu thứ tư của những người biểu tình tại nước này. Các biện pháp an ninh đã được tăng cường nhưng không có sự can thiệp bạo lực nào. Trong khi đó, đảng cầm quyền GPC đã tổ chức 4 cuộc chống biểu tình với sự tham dự của hàng ngàn người ủng hộ chính phủ.
Tại Angiêri, hàng chục cuộc biểu tình gần đây, làm 4 người thiệt mạng và 800 người khác bị thương (số bị thương chủ yếu là cảnh sát), đã khiến chính phủ nước này phải gấp rút ra lệnh hạ giá thực phẩm và các mặt hàng, vốn tăng vọt trong những tháng trước do hệ thống phân phối độc quyền. Đồng thời, chính phủ nước này cũng đã quyết định tiến hành cải tổ để xoa dịu cơn giận dữ của người dân.
Minh Nam (tổng hợp)