Bỉ tuyển dụng người tị nạn để bù đắp thiếu hụt công nhân xây dựng

Ngành xây dựng ở Bỉ hiện nay đang thiếu nhân lực.

Chú thích ảnh
Những người tị nạn ở Bỉ được bố trí công việc chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh: Hương Giang

Để cung cấp công nhân cho ngành này, các đối tác xã hội của lĩnh vực xây dựng, Cơ quan liên bang tiếp nhận người xin tị nạn (Fedasil) và Quốc vụ khanh về Tị nạn và Di cư, Sammy Mahdi, vừa ký kết một thỏa thuận hợp tác tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng những người tị nạn hợp pháp.

Đây là lần đầu tiên loại thỏa thuận này trong lĩnh vực xây dựng được ký kết. "Chúng tôi sẽ bắt đầu với các dự án thí điểm nhỏ", Michael Kegels, Tổng giám đốc Fedasil, cho biết. Ngành xây dựng ước tính có 20.000 việc làm ngay lập tức.

Việc sử dụng những người tị nạn không có gì mới. Từ vài năm nay, các ứng viên là người tị nạn đã có thể gia nhập thị trường lao động bốn tháng sau khi bắt đầu thủ tục xin cấp quy chế. Sau khoảng thời gian này, họ có thể xin giấy phép lao động và nộp đơn xin việc cho các công ty. Họ có các quyền giống như những người nhập cư hợp pháp.

Trên thực tế, hình thức này chỉ được sử dụng rất ít vì gặp nhiều trở ngại: thiếu thông tin, bất đồng ngôn ngữ, khó di chuyển... "Thông thường, chúng tôi thiếu một cách tiếp cận tập trung trong việc cho phép người xin tị nạn làm việc", Quốc vụ khanh về Tị nạn và Di cư, Sammy Mahdi, cho biết.

Anh Issa, người gốc Trung Phi, đến Bỉ vào cuối tháng 12/2021 với tư cách xin bảo hộ quốc tế nhưng không đợi đến lúc thỏa thuận này được ký kết mới bắt đầu tìm việc. Ngay khi định cư tại trung tâm tiếp nhận ở Liège, Issa đã nộp đơn xin giấy phép lao động. Sau đó, anh đã gửi hồ sơ đến các nhà tuyển dụng khác nhau trong khu vực.

Chú thích ảnh
Những người tị nạn ở Bỉ được bố trí công việc chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh: Hương Giang

Issa đã làm việc được ba tuần trong một công ty xây dựng trong vùng. "Ở quê nhà, tôi là giám đốc xây dựng, tôi đã chỉ huy các đội trên công trường xây dựng các tòa nhà từ 8 đến 10 tầng. Còn ở đây, tôi là một công nhân đa năng trên các công trường nhỏ hơn. Nhưng với kinh nghiệm và sự hòa nhập với nhóm, tôi tin là mình sẽ có nhiều triển vọng”, Issa cho biết.

Tại thời điểm này, Issa đang có những hợp đồng nhỏ. Hợp đồng đầu tiên kéo dài một tuần. Tiếp theo là một hợp đồng dài 15 ngày. Vì thủ tục xem xét tị nạn vẫn đang được tiến hành nên Issa không thể ký hợp đồng dài hạn. Issa vẫn chưa biết khi nào anh mới nhận được quyết định chính thức vì thường mất một năm để có phản hồi từ các dịch vụ xin tị nạn.

Chú thích ảnh
Lĩnh vực vệ sinh môi trường cũng sử dụng nhiều người tị nạn và nhập cư. Ảnh: Hương Giang

Đối với Issa, công việc là công cụ giúp anh hội nhập và có thu nhập. Mỗi sáng, xe tải của công ty đến đón Issa tại trung tâm. “Tôi có một hợp đồng và tôi kiếm được mức lương như những người khác,” anh nói. Hiện nay, Issa được lĩnh toàn bộ tiền lương. Tuy nhiên, Luật tiếp nhận quy định đến một thời điểm nào đó, một phần tiền lương sẽ bị khấu trừ.

Việc cho phép người xin tị nạn làm việc là trọng tâm trong chính sách tị nạn của Bỉ. Michael Kegels, Giám đốc điều hành Fedasil, cho biết chính sách này đã tồn tại từ trước, nhưng vẫn bị coi là ngoài lề. Từ một thị trường ngách, hiện nay, nó đã trở thành một ưu tiên.

Fedasil cũng đã thành lập một đơn vị chỉ dành riêng cho việc triển khai công việc của những người xin tị nạn. Hiện nay, Fedasil đã lên kế hoạch ký kết những thỏa thuận tương tự với các lĩnh vực cần nhân lực, chẳng hạn như lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn hoặc lĩnh vực vệ sinh môi trường.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Bỉ)
Sinh viên Việt Nam tại Bỉ tăng cường gắn kết cộng đồng, hướng về quê hương
Sinh viên Việt Nam tại Bỉ tăng cường gắn kết cộng đồng, hướng về quê hương

Ngày 19/2 (theo giờ địa phương), tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Hội Sinh viên Việt Nam tại Bỉ (SIVIBI) đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V với nội dung trọng tâm thúc đẩy hơn nữa công tác gắn kết cộng đồng của Hội và hướng về quê hướng đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN