Bỉ áp dụng kiểm soát biên giới với Pháp

Bỉ ngày 24/2 quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới với Pháp, đồng thời tiến hành tuần tra tại đây.

Người di cư và tị nạn tại khu vực biên giới Hy Lạp- Macedonia ngày 23/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Như vậy đến nay đã có 9 nước trong khu vực tự do đi lại Schengen buộc phải tái kiểm soát biên giới để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai. Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon cho biết biện pháp kiểm soát không được tiến hành trên toàn tuyến biên giới giữa Pháp và Bỉ, mà chỉ tại khu vực lân cận với vùng duyên hải biển Bắc.

Truyền thông nước này ước tính khu vực kiểm soát dài khoảng 40-60 km. 290 cảnh sát cũng được điều động thực hiện tuần tra tại khu vực biên giới này, kiểm tra giấy tờ và bắt giữ người vượt biên trái phép. Brussels muốn phong tỏa dòng người di cư từ khu trại tạm chuẩn bị được dỡ bỏ gần đường hầm Eurotunnel ở vùng Pa-de-Calais của Pháp, hay còn được gọi là khu "rừng rậm" trong khủng hoảng di cư.

Hiện khoảng 4.000-6.000 người di cư bất hợp pháp vẫn đang tá túc tại khu trại này để tìm cách thâm nhập vào Anh. Bộ Nội vụ Bỉ lo ngại do một số cư dân của "rừng rậm" đã sẵn sàng đi bộ vượt khoảng cách 60 km từ đây đến thủ đô Brussels.

Trong diễn biến liên quan, Slovenia tuyên bố cũng sẽ siết chặt kiểm soát biên giới nếu quy định di cư của châu Âu không được tuân thủ. Nếu việc này diễn ra, số nước "phá vỡ Schengen" kể từ tháng 9/2015 sẽ tăng lên 10, gồm thêm: Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Áo, Đức, Hungary, Pháp và Malta.

Cùng ngày, Chính phủ Hungary đã đệ đơn ra Ủy ban bầu cử trung ương nước này đề nghị tiến hành trưng cầu dân ý xem người dân có đồng ý chấp nhận hạn ngạch tiếp nhận người di cư mà Liên minh châu Âu (EU) phân bổ hay không. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Viktor Orban tin rằng quyết định về hạn ngạch không thể được đưa ra mà không có sự thông qua tại Quốc hội Hungary. Do đó, câu hỏi trưng cầu cho người dân nước này sẽ là: Bạn có đồng ý để EU áp đặt hạn ngạch tái định cư tại Hungary người không phải công dân nước này mà không có sự phê chuẩn của quốc hội hay không?

Hồi tháng 9/2015, Chính phủ Hungary đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch phân bổ 160.000 người di cư cho các nước thành viên EU theo hạn ngạch. Tháng 12 năm đó Hungary đã ra tuyên bố chung với Slovakia phản đối kế hoạch phân bổ sẽ đưa đến nước mình 2.300 người di cư này.

TTXVN/Tin Tức
Hy Lạp tức giận vì bị gạt khỏi hội nghị di cư Balkan
Hy Lạp tức giận vì bị gạt khỏi hội nghị di cư Balkan

Hy Lạp ngày 23/2 đã phản đối việc Áo gạt nước này khỏi hội nghị bàn về vấn đề người di cư ở Balkan dự kiến diễn ra vào giữa tuần này tại thủ đô Vienna của Áo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN