Nghị sĩ Laura Ravetto, Chủ tịch Ủy ban Quốc hội Italy về Hiệp ước Schengen, cho rằng: "Việc nhiều quốc gia muốn thiết lập một 'mini - Schengen' như Đức hay Áo để nhằm mục đích di chuyển tự do giữa họ với nhau là điều phi lí và ích kỷ, bởi Italy và Hy Lạp, những nước có đường biên giới phía ngoài EU, sẽ bị bỏ mặc đương đầu với làn sóng người di cư".
Việc ngừng thực thi Hiệp ước Schengen, dù chỉ là tạm thời, không thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến an ninh. Bà nói thêm: "Nước Pháp đóng cửa biên giới với lý do chống khủng bố. Tuy nhiên, những kẻ tấn công lại sống trên chính nước Pháp. Một giải pháp quan trọng và hợp lý là tăng cường kiểm soát các đường biên giới bên ngoài EU và tăng cường cơ chế trục xuất những kẻ không đảm bảo tiêu chuẩn cho việc xin quy chế tị nạn".
Làn sóng di cư đang trở thành nguy cơ khiến Hiệp ước Schengen sụp đổ. |
Trong khi đó, sau cuộc họp với các Bộ trưởng tư pháp và nội vụ EU ở Amsterdam, Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano nói rằng, châu Âu "chỉ còn vài tuần để cứu Hiệp ước Schengen đang tan chảy vì sự ích kỷ dân tộc". Thủ tướng Italy Matteo Renzi phát biểu trên chương trình truyền hình "Quinta Colonna" rằng "chúng ta đã chiến đấu hàng thập kỷ để phá đi các bức tường và bây giờ thì người ta lại tìm cách dựng lên những bức tường khác. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta tự phản bội nhau".
Trên kênh CNN, Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni cũng phản đối mạnh mẽ việc thiết lập các trạm kiểm soát biên giới của Đức, Áo, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch và Croatia cho rằng, việc đóng lại Schengen đồng nghĩa với sự sụp đổ của hệ thống châu Âu lục địa đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, trong một khối EU thống nhất. Ông nói: "Nếu chúng ta cứ chỉ trích Hy Lạp và các nước điểm đến đầu tiên của người di cư, kết quả duy nhất chúng ta có là sẽ không còn Schengen nữa".
Italy chính là "điểm đến đầu tiên" của người di cư. 150.000 người di cư đã tới Italy bằng đường biển trong năm 2015, nhưng chỉ có rất ít trong số này xin ở lại Italy và do đó Rome không có gì phải lo ngại. Phần nhiều trong số họ tiếp tục di chuyển sang Pháp hoặc các nước Bắc Âu khác. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu các đường biên giới đóng lại và ngăn cản họ di chuyển tự do lên phía trên, trong khối các nước thuộc Hiệp ước Schengen? Italy đã chuẩn bị một số phương án như thiết lập thêm các trạm tiếp nhận ở Brennero (giáp với Áo) và Tarvisio (gần Slovenia). Nhưng chắc chắn, số người bị đọng lại ở Italy - do không thể đi đâu được - sẽ rất lớn. Nếu Schengen bị hoãn lại trong vòng 2 năm theo yêu cầu của nhiều nước và con đường mà người nhập cư thực hiện qua các nước Balkan bị đóng, tình hình càng nghiêm trọng hơn cho Italy.
Chính phủ Rome sợ rằng người di cư sẽ lại vượt Địa Trung Hải để sang Italy. "La Stampa" ước tính số người di cư mà Italy có thể sẽ phải "tiếp đãi" trong thời gian đó lên tới 300.000 - 400.000 người, một con số không nhỏ, và áp lực lên xã hội cũng như nền chính trị, kinh tế của Italy là rất lớn. Tình hình chính trị bất ổn ở Libya và sự mở rộng ảnh hưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Libya càng gia tăng áp lực lên Italy, khi họ nhận thấy những nguy cơ tiềm tàng đối với lợi ích về an ninh và kinh tế quốc gia từ phía này.
Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước RAI, Bộ trưởng Alfano nói: "Đối với tất cả những ai tin rằng đóng cửa Schengen là cần thiết, tôi sẽ nói rằng liệu chúng ta có thể lắp đặt các hàng rào dây thép gai trên biển Địa Trung Hải hay Adriatic để ngăn người di cư không? Do đó, chỉ có thể hợp tác nhằm bảo vệ chặt chẽ các đường biên ngoại khối và xử lý chặt chẽ hơn các trường hợp nhập cư trái phép hoặc không phải vì tị nạn chiến tranh thì mới cứu được Schengen".