Theo trang tin AOL.com, hiện tượng này xảy ra chủ yếu ở tỉnh Jambi của nước này và được xác định là do khói mù từ các vụ cháy rừng đang diễn ra. Một chuyên gia khí tượng cho biết bầu trời có màu khác thường này là do một hiện tượng được gọi là tán xạ Rayleigh.
Màu sắc của bầu trời được tạo ra do sự tán xạ ánh sáng mặt trời của các hạt vi mô lơ lửng trong không khí. Hiện tượng này xảy ra khi đường kính của các hạt gần bằng với bước sóng của ánh sáng Mặt Trời nhìn thấy được.
Thông thường, tán xạ Rayleigh sẽ khiến bầu trời chuyển sang màu xanh lam. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các hạt được giải phóng bởi đám cháy đã biến bầu trời trở thành màu đỏ thẫm. Các vụ cháy rừng cũng làm giảm chất lượng không khí và làm nhiều người cảm thấy khó thở.
Kiki Khairi – một người dân sống tại Jakarta – đã được gửi đoạn video ghi lại cảnh tượng bầu trời đỏ rực tại Jambi, nơi mẹ cô sống và chia sẻ lên Twitter. Khi xem video, nhiều người đã cảm thấy kinh hoàng trước cảnh tượng này cũng như mối nguy hiểm tiềm tàng của khói mù.
“Mẹ tôi nói rất khó thở. Cháy rừng vẫn xảy ra hàng năm, nhưng đây là lần đầu tiên bầu trời chuyển sang màu đỏ và chất lượng không khí quá nguy hiểm cho mọi người. Thật là kinh khủng khi chứng kiến một hiện tượng đáng sợ như vậy”, Khairi chia sẻ.
Khairi chỉ là một trong nhiều người dùng phương tiện truyền thông xã hội chia sẻ video về bầu trời đỏ rực ở Jambi. Một người dùng Twitter có tài khoản Zuni Shofi Yatun Nisa cũng chia sẻ cảnh quay.
“Đây không phải là sao Hỏa. Đây là Jambi. Con người chúng ta đang thở bằng phổi chứ không phải bằng mang. Chúng ta cần không khí trong lành, không phải khói”, người dùng chia sẻ trên tài khoản Twitter của mình.
Video: Bầu trời đỏ rực tại tỉnh Jambi, Indonesia. (Nguồn: RT):
Trước sự việc này, ông Koh Tieh Yong - Giáo sư thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore - giải thích rằng hiện tượng tán xạ Rayleigh sẽ khiến màu bầu trời trông có vẻ đỏ hơn khi mọi người nhìn thẳng vào mặt trời. Ông cũng lưu ý rằng vì nhiều video được quay gần giữa trưa – khi mặt trời ở trên đỉnh đầu nên bầu trời sẽ trông đỏ rực hơn.
Giáo sư Koh cũng cho biết thêm rằng hiện tượng này “không làm thay đổi nhiệt độ không khí”.
Theo Viện Tài nguyên Thế giới, các vụ cháy rừng hàng năm ở Indonesia phần lớn đều xảy ra trong mùa khô, khoảng từ tháng 4 đến tháng 10. Các vụ hỏa hoạn trong năm nay đã gây ra thiệt hại trên khắp Indonesia, bao gồm hàng trăm chuyến bay bị hủy và các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong đó có đười ươi.