Bầu cử Tổng thống Mỹ: “Miền đất hứa” chờ đợi thời khắc lịch sử

Sau lần tranh luận cuối cùng giữa ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, cục diện bầu cử Tổng thống Mỹ dường như đã rõ ràng khi cơ hội ngày càng sáng rõ đối với cựu Ngoại trưởng Mỹ.

 

Bà Clinton đang đứng trước cơ hội lớn trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Ảnh: AFP

Trên thực tế, những thay đổi về cục diện bầu cử Tổng thống Mỹ sớm xuất hiện hôm 7/10, khi tờ Washington Post công bố cuốn băng từ năm 2005 tiết lộ những lời nói khiếm nhã đối với phụ nữ của ứng cử viên đảng Cộng hòa. Sau đó, hàng loạt phụ nữ đứng ra tố cáo từng bị ông Trump quấy rối tình dục. Nhiều thành viên cốt cán của đảng Cộng hòa lên tiếng chỉ trích, coi đây là hành vi không phù hợp với một nhà lãnh đạo tương lai, quyết định không bỏ phiếu cho ông Trump.  Và từ trạng thái do dự chưa quyết định bỏ phiếu cho ai, hàng loạt bang quan trọng như New Hampshire, Virginia, Michigan, New Mexico, Colorado, North Carolina, Pennsylvania, Wisconsin, Georgia… đã chuyển sang ủng hộ bà Clinton.

 

Trước sự thay đổi nêu trên cũng như việc phần lớn các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Clinton tiếp tục duy trì ưu thế dẫn điểm trước ông Trump, nhiều cơ quan truyền thông Mỹ như Washington Post hay Business Insider cho rằng ứng cử viên đảng Dân chủ đang chiếm ưu thế lớn và có thể dễ dàng giành được hơn 270 phiếu đại cử tri để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Cục diện càng trở nên sáng rõ khi cuộc tranh luận trực tiếp lần ba kết thúc. Kết quả điều tra sau đó do CNN/ORC tiến hành cho thấy bà Clinton đã đánh bại ông Trump trong cuộc “so găng” cuối cùng với 13 điểm cách biệt. Như vậy, bà Clinton đã giành chiến thắng trong cả ba cuộc “khẩu chiến” với ông Trump và theo CNN/ORC, tỷ số lần lượt là 62% - 27%; 57% - 34% và 52% - 39%.  

 

Kết quả thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton đang dẫn điểm so với ông Trump. Ảnh: realclearpolitics

Cơ hội trở thành người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama của bà Clinton cũng có thể nhìn thấy ở một khía cạnh khác. Theo chuyên gia điều tra dân ý Mỹ John Zogby, trong điều kiện bình thường, dự kiến tỉ lệ đi bầu của cử tri người da trắng và cử tri không phải người da trắng lần lượt là 69% và 71%. Tới nay, ông Trump gần như đã đắc tội với tất cả các cộng đồng không phải là người da trắng và nửa số cử tri là người da trắng. Trong khi đó, nếu căn cứ vào tỉ lệ ủng hộ bà Clinton trong các cộng đồng không phải người da trắng, muốn thắng cử, ông Trump phải giành được sự ủng hộ của 76% - 77% cử tri người da trắng. Đây có thể nói là nhiệm vụ bất khả thi đối với ông Trump bởi ngay cả các nhân vật được trọng vọng trong đảng Cộng hòa từng là ứng cử viên Tổng thống như Mitt Rommey (năm 2012) và John McCain (năm 2008) đều không làm được điều này.

 

Bên cạnh đó, việc ông Trump bất ngờ chỉ trích bầu cử Mỹ đang bị thao túng, không công bằng ngay cả khi nó chưa diễn ra cũng được nhìn nhận như một sự chuẩn bị cho khả năng thất bại mà ứng cử viên đảng Cộng hòa từng đề cập tới khi phát biểu trước đám đông ủng hộ tại một cuộc vận động tranh cử ở thành phố Ocala, tiểu bang Florida hôm 12/10 vừa qua. Tuy nhiên, khả năng xảy ra gian dối trong bầu cử ở Mỹ rất thấp bởi bầu cử Tổng thống ở Mỹ tuy mang tính toàn quốc, nhưng không phải do chính phủ liên bang chủ trì mà được giao cho chính quyền bang thực hiện rồi chính quyền bang lại giao cho chính quyền địa phương phụ trách. Hơn nữa, hệ thống bầu cử ở các địa phương cũng khác nhau, có nơi áp dụng cơ chế bỏ phiếu điện tử, có nơi lại bỏ phiếu trực tiếp, có nơi áp dụng cả hai phương thức bầu cử, cho nên, muốn gian lận cũng khó. Ngoài ra, các bang chiến địa trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay như Colorado, Iowa, Michigan và Arizona, đa phần do các quan chức thuộc đảng Cộng hòa phụ trách giám sát trình tự bỏ phiếu. Vậy tại sao ông Trump vẫn đưa ra chỉ trích nêu trên?

 

Ông Trump tôn trọng và thừa nhận kết quả bầu cử ngày 8/11 hay không đang là ẩn số. Ảnh: AFP

Sáng 29/7/2016 (theo giờ Việt Nam), bà Clinton tuyên bố chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ, đi vào lịch sử nước Mỹ khi chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên đại diện cho một chính đảng lớn của Mỹ giành tấm vé tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Giờ đây, cựu Ngoại trưởng Mỹ đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Nhưng với ông Trump, thất cử là “sự lãng phí lớn nhất về thời gian, sức lực và tiền bạc”, vì thế, cần phải tranh đấu tới cùng. Điều đáng chú ý là trong cuộc “so găng” cuối cùng với bà Clinton trước khi bước vào “tử chiến” ngày 8/11 tới, ông Trump đã từ chối cam kết tôn trọng và thừa nhận kết quả bầu cử nếu thất bại.

 

Do vậy, trong khi chờ đợi khoảnh khắc lịch sử, những người ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ vẫn thấp thỏm. Theo tờ Tin tức Thế giới, nếu ông Trump không công nhận thất bại, tìm cách đổ lỗi thất bại của mình cho người khác và tiếp tục đưa ra những lời nói kích động, những người ủng hộ ông Trump do phẫn uất mà có thể có hành động cực đoan. Chuyên gia chính trị thuộc Đại học George Washington, ông Matt Dallek, cho rằng tình hình khi đó chắc chắn sẽ phức tạp hơn. Hiện chưa thể khẳng định liệu bạo lực có xảy ra hay không, nhưng tại một quốc gia mà mỗi người dân đều sở hữu ít nhất một khẩu súng thì chỉ một phần tử ủng hộ Trump có tư tưởng cực đoan cũng có thể tạo ra thảm kịch.

Hoàng Hà
Hậu tranh luận Trump-Clinton: Thế trận đã định hình
Hậu tranh luận Trump-Clinton: Thế trận đã định hình

Khép lại cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng - Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa - những cử tri Mỹ còn lưỡng lự dường đã có thể có được sự lựa chọn cho riêng mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN