To lớn, hình hộp và màu xám, CNC được sử dụng để sản xuất các thành phần phức tạp của nhiều vật dụng, từ điện thoại, đồ đạc cho đến quần áo… Hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá CNC thường đạt độ chính xác mà các máy móc do con người vận hành không có khả năng theo kịp.
Tại Triều Tiên, với sự kết hợp của công nghệ “cây nhà lá vườn” và công nghệ đảo ngược, CNC hiện nay đóng vai trò trọng yếu trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. CNC tạo điều kiện để ông Kim Jong-un có trong tay vũ khí hạt nhân và tên lửa mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật từ nước ngoài.
Ông Kim Jong-un trong một cuộc thị sát nhà máy tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters |
Reuters dẫn đánh giá của các chuyên gia cho rằng với CNC, lệnh trừng phạt của quốc tế về chuyển giao công nghệ cho Triều Tiên đã không thể cản bước ông Kim Jong-un thử tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Ông Jeffrey Lewis tại Viện nghiên cứu Chiến lược Middlebury ở Monterey, California (Mỹ), đánh giá: “Máy ly tâm và tên lửa mới của Triều Tiên đều phụ thuộc vào thành phần được sản xuất bởi CNC”.
Kể từ năm 1996, CNC đã được nêu tên trong Hiệp ước Wassenaar về kiểm soát vũ khí với mục tiêu ngăn chặn thiết bị dùng cho cả mục đích quân sự và dân sự. Triều Tiên không hề tham gia hiệp ước này.
Triều Tiên nhiều khả năng tự phát triển CNC vào thời kỳ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Reuters cho rằng Triều Tiên đã học cách tạo CNC từ các bộ phận nhập khẩu từ Liên Xô.
Chiếc CNC đầu tiên do Triều Tiên sản xuất được ra mắt trong năm 1995. Theo một bài viết trên tờ Rodong Sinmun năm 2009, cố lãnh đạo Kim Jong-il từng dùng tên gọi Ryonha cho CNC. Đây cũng là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Triều Tiên đề cập tới công nghệ này.
Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il bên một chiếc CNC. |
Từ năm 2009, CNC trở thành nhân vật chính của tuyên truyền tại Triều Tiên bởi khi này Bình Nhưỡng khởi động chiến dịch quốc gia phát triển công nghiệp nội địa.
Cùng thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã quan tâm tới chuyến thăm của ông Kim Jong-il tới nhà máy nơi CNC do Triều Tiên sản xuất hiện diện. Họ cho rằng dường như chiếc máy này có thể sản xuất ống nhôm dùng cho máy li tâm hạt nhân.
Công dân Triều Tiên Kim Heung-gwang từng giảng dạy tại Đại học Hamhung của Bình Nhưỡng, nay đã đào tẩu đến Hàn Quốc, cho biết: “Đến khoảng năm 2010 dường như Triều Tiên đã có khả năng sản xuất nhiều loại CNC khác nhau”.
Ông Kim Heung-gwang ước tính rằng Triều Tiên hiện có khoảng 15.000 chiếc CNC. Con số này được ông rút ra qua các bức ảnh và tin tức từ truyền thông Triều Tiên cũng như những cuộc phỏng vấn với hàng chục công dân Triều Tiên đào tẩu từng là nhà khoa học, giáo sư và công nhân nhà máy.
Triều Tiên ca ngợi rằng chiếc CNC do nước này sản xuất là thành quả từ tư tưởng “Juche” về tự lập của nước này. Vào tháng 8/2016, có một diễn biến xảy ra gây bối rối. Truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố hình ảnh ông Kim Jong-un tới thăm một nhà máy sử dụng CNC. Tuy nhiên chiếc CNC này lại có logo của công ty kỹ thuật Thụy Sĩ ABB ABB.UL, một trong những nhà sản xuất CNC hàng đầu trên thế giới. Hiện chưa rõ bằng cách nào chiếc CNC lại “hạ cánh” tại Triều Tiên.
ABB khẳng định tôn trọng các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên và không hề chuyển thiết bị do công ty sản xuất đến Bình Nhưỡng. Thay vào đó, ABB cho rằng thiết bị của họ có thể được bán lại cho Triều Tiên qua kênh khác.
Cơ quan giám sát lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc trong một bản báo cáo năm 2017 cho rằng công ty thiết bị máy móc của Trung Quốc Tengzhou Keyongda đã cung cấp các máy CNC mới cho Triều Tiên. Trong khi đó, đại diện của Tengzhou Keyongda nói với Reuters rằng công ty này đã dừng bán CNC cho Triều Tiên từ 4 năm trước.
Đã có hẳn một bài hát được sáng tác tại Triều Tiên để ca ngợi những máy CNC với câu mở đầu: “Dù nó là gì, một khi chúng ta đã chú tâm thì sẽ có chương trình để sản xuất”.