Hai năm rưỡi sau vụ đâm phải đá ngầm và lật nghiêng, siêu du thuyền Costa Concordia, từng được mệnh danh là “Titanic của Italy” sắp có hành trình cuối cùng.
Nếu mọi việc theo đúng kế hoạch, chỉ trong một vài tuần tới, con tàu có chiều cao hơn 28,5m này sẽ được kéo nổi và lai dắt từ đảo Giglio nơi nó bị lật hồi tháng 1/2012, làm 32 người chết, tới cảng Genoa để tháo dỡ.
Thế nhưng, vẫn còn nhiều phần việc phải làm trước khi siêu du thuyền này được đưa về đích cuối cùng và cũng có thể sẽ xuất hiện nhiều sai sót. Cộng tác viên Baribie Nadeau của kênh truyền hình CNN, người đang viết một cuốn sách về Concordia, sẽ giúp độc giả hiểu rõ những câu hỏi lớn.
Điều gì đang xảy ra?Để có thể lai dắt, điều cần làm là phải kéo nổi Concordia. Quá trình này được bắt đầu ngày hôm nay, 14/7/2014, khi các nhân viên nỗ lực nâng con tàu nặng 114.000 tấn này bật khỏi khối cấu trúc đỡ ngầm được “bơm” xuống đáy biển phục vụ công đoạn kéo Concordia trở lại vị trí thẳng đứng hồi năm ngoái. Quá trình làm nổi này sẽ mất khoảng 5 ngày. Sau đó, người ta sẽ bơm không khí vào 30 phuy sắt cỡ lớn gắn chặt hai bên mạn tàu, tạo áp suất làm nổi. Các nhân viên trục vớt sẽ nâng Concordia lên cao 2m, cho đến khi mũi tàu nổi hẳn lên mặt nước.
Toàn cảnh "đại công trường" trục vớt Concordia hôm 11/7. Ảnh: Getty Images |
Công việc đầu tiên này ẩn chứa mối nguy cao nhất, vì phần đuôi thân tàu bị ăn mòn sẽ vỡ ra, hoặc là mũi tàu gãy vụn. Nếu điều này xảy ra, quá trình trục vớt sẽ bị trì hoãn nghiêm trọng. Nếu mọi việc ổn thỏa, siêu du thuyền sẽ dịch chuyển khỏi khối trụ nâng 30m để các chuyên gia kiểm tra các vết nứt, làm sạch, gắn thiết bị nổi hai bên mạn và phần đuôi tàu cùng với các sợi cáp cỡ lớn nhằm tạo “đáy giả” giữ cho tàu nổi. Sau đó, các boong sẽ lần lượt được đưa lên khỏi mặt nước, thông qua việc tăng áp lực bơm khí vào các phuy sắt và việc này cần khoảng 6 tiếng/boong. Một khi 3 boong được đưa lên khỏi mặt nước, các chuyên gia môi trường Italy sẽ kiểm tra xem có sự rò rỉ nào từ con tàu hay không và việc này cũng tốn nhiều thời gian.
Khi nào lai dắt và mất bao lâu?Với khoảng 60.000 tấn thiết bị gá lắp trên thân tàu vốn nặng 114.000 tấn này, đương nhiên Concordia không phải là một tàu nổi có thể di chuyển nhanh. Tốc độ di chuyển tối đa khi lai dắt chỉ vào khoảng 3,68 km/giờ và sẽ phải mất khoảng 5 ngày để siêu du thuyền cập cảng Genoa - cách Giglio 320 km. Như vậy, Concordia sẽ đến đích vào ngày 18/7, nhưng chỉ với điều kiện 5 ngày lai dắt sẽ diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Sẽ rất mạo hiểm khi thực hiện việc làm này khi biển động.
Tàu được kéo thẳng đứng từ tháng 9, sao lại phải đợi lâu vậy?Thời tiết là nguyên nhân dẫn tới tới việc trì hoãn quá trình làm nổi, đưa Concordia tới Genoa. Tháng 9/2013 (khoảng 18 tháng sau khi chìm), con tàu được dựng thẳng đứng và quãng thời gian lý tưởng để lai dắt đã trôi qua hơn gần một năm. Vùng biển Địa Trung Hải thường có sóng lớn vào thời điểm từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8. Và như vậy các nhân viên cứu hộ đã mất hơn 10 tháng để hoàn tất những công việc cuối cùng để rồi chọn đúng “thời điểm vàng” này.
Các thủy thủ tàu "Chiến binh Cầu vồng" nói gì về vụ trục vớt?Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đã phái tàu "Chiến binh Cầu vồng" tới Địa Trung Hải để ngăn cản việc lai dắt Concordia. Nhóm hoạt động môi trường này quan ngại rằng những chất thải độc hại từ con tàu sẽ rò rỉ ra biển trong 5 ngày lai dắt “Titanic của Italy” tới Genoa. Tổ chức này đồng thời cho rằng cần phải đưa xác tàu tới Piombino, cảng ở vị trí gần Giglio hơn so với Genoa, rút ngắn thời gian di chuyển. Khó khăn là ở chỗ: Piombino hiện không đủ điều kiện tiếp nhận Concordia, buộc phải vét luồng tạo độ sâu thích hợp. Cảng này sẽ không thể đón tàu vào cuối tháng 9, và sau đó thì điều kiện thời tiết quá nhiều sóng to sẽ buộc việc lai dắt phải rời đến tầm này năm sau.
Mất bao nhiêu thời gian để tháo dỡ?Cần 125 công nhân trong khoảng thời gian từ 1,5 - 2,5 năm để tháo dỡ Concordia. Khi tàu cập cảng Genoa, các nhân viên sẽ phải xây dựng một khu lều lớn bao trọn con tàu, mà quy mô thì chưa ai từng gặp. Phần mũi tàu và đuôi tàu sẽ được tháo dỡ trước. Trong quá trình này, bất kì đồ vật nào của khách du lịch còn sót lại sẽ được trả lại cho chủ sở hữu.
Mất bao nhiêu tiền?Concordia tại thời điểm được kéo thẳng đứng tháng 9/2013, chiến dịch tốn kém tới 800 triệu USD. Ảnh: Getty Images |
Michael Tamm, quan chức thuộc Công ty Carnival Cruises, chủ sở hữu siêu du thuyền này cho biết: Chiến dịch trục vớt cho đến lúc này đã tiêu tốn 1 tỉ USD và để hoàn tất công việc chi phí có thể đội tới 2 tỉ USD. Con số này gần gần 3 lần số tiền bỏ ra để đóng mới Concordia: 612 triệu USD tại thời điểm năm 2004.
Tỉ lệ thành công là bao nhiêu?Công ty đảm nhận chiến dịch trục vớt Concordia cho biết, mức độ lai dắt thành công vào khoảng 80%. Viễn cảnh tồi tệ nhất là thân tàu vỡ ra trong 6 giờ đầu tiên nâng tàu khỏi bệ đỡ ngầm dưới nước; hoặc là gãy vỡ ở ngoài khơi Corsica – vùng biển có dòng chảy mạnh nhất ở biển Địa Trung Hải.
Trục vớt xong là xong?Không hề. Một khi Concordia rời khỏi Giglio, một công ty sẽ tới đây dọn sạch hiện trường; các mảnh vỡ, chất bẩn do công ty cứu hộ xả ra. Cư dân Giglio cũng đang thảo luận xem nên xử sự thế nào với các cấu trúc ngầm là các khối bê tông được bơm xuống đáy biển làm trụ đỡ cho Concordia: Biến nó thành khu du lịch lặn biển hay là phá hủy để trả lại môi trường như trước.
Hoài Thanh (
Theo CNN)