Sáu địa điểm đầu tiên mà các cơ quan ngoại giao của Ai Cập ở nước ngoài khởi động quá trình bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo giờ địa phương bao gồm, Wellington của New Zealand, Canberra và Sydney tại Australia, Seoul của Hàn Quốc, Tokyo của Nhật Bản và Bắc Kinh tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, Ai Cập đã mở đường dây nóng để công dân ở nước ngoài có thể trao đổi và phản ánh các thông tin liên quan tới cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp.
Người đứng đầu Cơ quan Bầu cử Quốc gia Ai Cập (NEA), Lasheen Ibrahim đã kêu gọi công dân Ai Cập ở nước ngoài thực hiện quyền bỏ phiếu của mình. Ông Ibrahim cho biết thêm cuộc trưng cầu ý dân ở trong nước sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 20-22/4. Mỗi hòm phiếu sẽ có một thẩm phán giám sát quá trình bầu cử nhằm đảm bảo công tác bỏ phiếu diễn ra minh bạch.
Trước đó, với tỷ lệ 531/554 phiếu ủng hộ, Quốc hội Ai Cập đã thông qua đề xuất sửa đổi Hiến pháp 2014. Những nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong Hiến pháp của nước này bao gồm việc tăng nhiệm kỳ tổng thống từ 4 lên thành 6 năm, dành 25% số ghế trong Quốc hội cho các ứng cử viên nữ, thành lập thượng viện thuộc Quốc hội và khôi phục chức danh Phó Tổng thống.