Báo Đức tiết lộ cách quốc gia nghèo nhất EU bí mật viện trợ Ukraine

Mùa xuân năm 2022, khi Quân đội Ukraine đang cạn kiệt nhiên liệu và đạn dược cần thiết của Liên Xô để đối phó với Nga, họ đã nhận được trợ giúp từ một quốc gia bất ngờ: đó là Bulgaria.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với cựu Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov. Ảnh: AFP

Do nền chính trị trong nước rạn nứt và khuynh hướng thân Nga của phần lớn giới thượng lưu, Bulgaria đã nhấn mạnh rằng họ không trang bị vũ khí cho Ukraine.  Tuy nhiên, theo điều tra của nhật báo Welt (Đức), đây chỉ là màn “tung hoả mù” của Sofia. 

Nhờ các cuộc phỏng vấn độc quyền với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, cựu Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov và Bộ trưởng Tài chính lúc bấy giờ Assen Vassilev, tờ Welt đã ghép lại một bức tranh toàn cảnh cho thấy Bulgaria đã là bên trung gian cung cấp cho Kiev các nguồn vũ khí quan trọng, đạn dược và dầu diesel trong những giai đoạn mang tính quyết định của cuộc giao tranh hồi năm ngoái.

Khi Thủ tướng Petkov cố gắng kéo đất nước về phía Tây theo quỹ đạo thân NATO hơn, ông đã phải vật lộn phản ứng dữ dội từ các chính trị gia thân với Điện Kremlin. Song, ông Petkov đã tìm cách bác bỏ mọi đề xuất cho rằng Bulgaria – quốc gia sở hữu kho vũ khí đáng kể từ thời Liên Xô - sẽ đẩy mạnh trang bị vũ khí cho Ukraine.

Đảng Xã hội Bulgaria coi việc cung cấp vũ khí cho các lực lượng Ukraine là “lằn ranh đỏ” đối với nước này. Ngoài ra, giới chức trong Chính phủ của ông Petkov cũng tránh các giao dịch giữa chính phủ với chính phủ. Tuy nhiên, nước này đã tận dụng các công ty trung gian ở Bulgaria và nước ngoài để mở các tuyến đường viện trợ cho Ukraine bằng đường hàng không và đường bộ qua Romania, Hungary, và Ba Lan.

“Chúng tôi ước tính rằng khoảng 1/3 số đạn dược mà quân đội Ukraine cần trong giai đoạn đầu của cuộc chiến đến từ Bulgaria,” ông Petkov nói với tờ Welt.

Ngoài ra, dầu diesel mà Bulgaria cung cấp cho Ukraine được xử lý từ dầu thô của Nga tại một nhà máy lọc dầu ở Biển Đen, vào thời điểm đó thuộc công ty Lukoil của Nga. Cựu Bộ trưởng Tài chính Vassilev nói: “Bulgaria đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu dầu diesel lớn nhất sang Ukraine và có thời điểm đáp ứng 40% nhu cầu của Ukraine”.

Chính phủ Ukraine đã xác nhận điều này. Ngoại trưởng Kuleba nói rằng Ukraine có nguy cơ cạn kiệt đạn dược vào tháng 4 năm ngoái. 

“Chúng tôi biết rằng các kho vũ khí của Bulgaria có số lượng lớn đạn dược cần thiết nên Tổng thống Volodymyr Zelensky đã cử tôi đến để thoả thuận về việc chuyển giao các thiết bị cần thiết”, Kuleba nói. Ông giải thích rằng đó là vấn đề “sống còn” vào thời điểm đó, vì nếu không thì người Nga sẽ kiểm soát thêm nhiều làng mạc và thị trấn của Ukraine hơn.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: AFP

Đứng trước với các yêu cầu của Kiev, ông Kuleba cho biết ông Petkov - Thủ tướng Bulgaria lúc bấy giờ - đã trả lời rằng tình hình trong nước “không mấy thuận lợi” nhưng ông sẽ làm “mọi thứ trong khả năng của mình”.

“Ông Petkov đã thể hiện sự chính trực và tôi sẽ luôn biết ơn ông ấy vì đã sử dụng tất cả các kỹ năng chính trị của mình để tìm ra giải pháp,” ông Kuleba nói và cho biết trong khi một số thành viên của liên minh Bulgaria đứng về phía Nga, ông Petkov quyết định “đứng về phía đúng của lịch sử và giúp chúng tôi đối phó với đối thủ mạnh hơn nhiều”.

Kế hoạch của Thủ tướng Peskov

Ngày 25/2, chỉ một ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tại cuộc họp không chính thức của Hội đồng châu Âu ở Brussels, ông Petkov đã kêu gọi Hội đồng phải đưa ra quyết định cứng rắn về các biện pháp trừng phạt Moskva ngay lập tức. Ủy ban châu Âu cuối cùng đã ủng hộ động thái đó.

Đồng thời, trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU tại Paris, cựu Bộ trưởng Tài chính Vassilev đã có bài phát biểu về ý nghĩa mục tiêu “phát xít hóa Ukraine” của Nga, mà không phải về những con số và hậu quả kinh tế.  

Vào ngày 19/4, ngay trước thềm chuyến thăm Kiev của ông Petkov, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Kuleba đã đến Sofia, khi cuộc chiến với Nga chuyển sang giai đoạn mới. Ở giai đoạn này, phương Tây vẫn chưa chuyển giao nhiều vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh cuộc giao tranh diễn ra căng thẳng, đến mức Ukraine cần khẩn trương bổ sung kho vũ khí, đặc biệt là đạn dược do Liên Xô sản xuất.

Tổng thống Zelensky nghĩ rằng ông Kuleba có thể đảm bảo điều đó trong nhiệm vụ tới Sofia.

Chú thích ảnh
Mỹ đã  gửi hệ thống HIMARS cho Ukraine. Ảnh: AFP

Về phần mình, ông Petkov nói rằng Chính phủ Bulgaria cho phép những bên trung gian xuất khẩu vũ khí không trực tiếp sang Ukraine. Ông nói: “Ngành công nghiệp quân sự tư nhân của chúng tôi đang sản xuất với tốc độ tối đa”.

Đoạn video từ tháng 4 cho thấy những chiếc máy bay chở đầy vũ khí bay giữa Bulgaria và Ba Lan. Sân bay Rzeszów của Ba Lan, cách biên giới Ukraine 70 km và được NATO bảo vệ nghiêm ngặt, là điểm vận chuyển chính. Ông Petkov cũng cho biết: “Chúng tôi đảm bảo rằng sẽ mở tuyến đường bộ qua Romania và Hungary cho xe tải”.

Ông Kuleba đã xác nhận nguồn cung đó. Ông nhấn mạnh vấn đề không phải là Chính phủ Bulgaria cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine, mà tạo cơ hội để các công ty Ukraine và các công ty từ các nước NATO mua những thiết bị cần thiết từ các nhà cung cấp của Bulgaria.

Theo nguồn thạo tin mà tờ Welt nhận được, Mỹ và Anh đã trả phí cho các nguồn cung này.

Vào tháng 6/2022, người đứng đầu công ty xuất khẩu quân sự nhà nước Kintex, Alexander Mihailov, phải từ chức sau một tranh chấp chính trị và tiết lộ số liệu bí mật. Ông Mihailov đã đề cập đến nguồn xuất khẩu trị giá 2 tỷ euro kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra và việc cung cấp đạn dược cho bệ phóng tên lửa đa năng Grad BM-21.

Song vấn đề này đã chìm vào im lặng. Các phương tiện truyền thông quốc tế cũng chỉ tập trung vào nguồn cung vũ khí từ phương Tây, bao gồm cả hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS của Mỹ. 

Thoả thuận diesel

Một bí mật khác đó là Bulgaria đã gửi dầu diesel cho lực lượng Ukraine.

Theo ông Vassilev, trong cuộc họp của Ngân hàng Thế giới ở Washington vào mùa xuân năm ngoái, một quan chức Ukraine nói với ông rằng Quân đội Ukraine đang cạn kiệt nhiên liệu. Trong khi đó, Bulgaria có một nhà máy lọc dầu gần Burgas trên Biển Đen, do công ty con của Tập đoàn Lukoil của Nga điều hành.

Ông Vassilev cho hay ông đã kêu gọi Lukoil ở Bulgaria xuất khẩu dầu thừa sang Ukraine và đã nhận được phản ứng tích cực

Theo ông, Bulgaria chỉ cần khoảng một nửa nhiên liệu do nhà máy lọc dầu này sản xuất, phần còn lại, đã được chuyển đến Ukraine. Một lần nữa, nguồn cung từ các công ty trong nước lại được xử lý thông qua các công ty trung gian nước ngoài.

Kiev đã xác nhận với tờ Welt rằng các công ty Ukraine đã nhận được dầu diesel của Bulgaria vào giai đoạn vô cùng quan trọng này.

 “Xe tải và tàu chở dầu thường xuyên đến Ukraine qua Romania. Trong một số trường hợp, nhiên liệu cũng được chất lên các chuyến tàu chở hàng”, ông Vassilev nói.

Động thái đáp trả từ Điện Kremlin

Chú thích ảnh
Điện Kremlin. Ảnh: AFP

Với hành động viện trợ bí mật cho Ukraine, cựu Thủ tướng Petkov đã đối mặt với rủi ro lớn.
Các cuộc thăm dò ở Bulgaria cho thấy 70% người dân lo lắng về việc bị lôi kéo vào xung đột và phản đối Sofia viện trợ quá nhiều cho Ukraine. Tổng thống Bulgaria Rumen Radev tuyên bố rằng Bulgaria sẽ trở thành một bên tham chiến nếu cung cấp vũ khí cho Kiev.

Chỉ đến gần đây, trò chơi trốn tìm này mới đi đến hồi kết. 

Kể từ đầu năm nay, mối liên hệ giữa nhà máy lọc dầu Lukoil ở Burgas do Bulgaria kiểm soát với với trụ sở chính ở Nga đã bị cắt đứt. Nhà máy này đang tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia khác. 

Moskva biết rõ Bulgaria là quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga trước cuộc xung đột và quyết định lấy đó là mục tiêu đáp trả.

Ngay từ ngày 27/4/2022, Gazprom đã chọn Bulgaria là quốc gia EU đầu tiên để cắt nguồn cung khí đốt. Nhưng Sofia không một chút lo ngại. Trong vòng 24 giờ, cựu Thủ tướng Petkov đã đưa ra giải pháp cho phép gần 7 triệu cư dân của Bulgaria sinh sống mà không cần khí đốt từ Nga. Ông đã mua hai tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, với cùng mức giá mỗi m3 tương tự Gazprom đang tính phí. 

Ông Petkov tuyên bố: “Tôi đã nói rõ trong các cuộc đàm phán rằng các tàu chở dầu là tín hiệu chính trị cho toàn bộ châu Âu rằng luôn có những biện pháp để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga”. Ông cho biết đường ống khí đốt từ Bulgaria đến Hy Lạp cũng đã hoàn thành. Đây là giải pháp hữu hiệu thay thế nguồn cung từ Nga.

 “Chúng tôi đã chỉ ra rằng một thế giới có thể tồn tại mà không cần sự phụ thuộc và sợ hãi Nga”, ông Petkov khẳng định.

Hải Vân/Báo Tin tức
Tên lửa Patriot sẽ thay đổi cục diện xung đột Ukraine như thế nào
Tên lửa Patriot sẽ thay đổi cục diện xung đột Ukraine như thế nào

Các hệ thống phòng không phức tạp Patriot, trị giá tới 1 tỷ USD/khẩu đội, liệu có làm thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường Ukraine khi chúng cũng trở thành những mục tiêu ưu tiên cao của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN