Thông báo của Lầu Năm Góc nêu rõ danh sách viện trợ bao gồm 90 xe thiết giáp chở quân Stryker, 59 xe chiến đấu bộ binh Bradley, hệ thống phòng không Avenger và đạn dược các loại. Gói hỗ trợ mới nhất này đã nâng tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine kể từ tháng 2/2022 lên hơn 26,7 tỷ USD.
Trước đó, vào ngày 6/1, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố khoản hỗ trợ quân sự trị giá 3,75 tỷ USD dành cho Ukraine và các quốc gia khác liên quan bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Ukraine. Gói viện trợ cho phép Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp các khí tài có tổng giá trị lên đến 2,85 tỷ USD từ kho dự trữ thiết bị quân sự của Lầu Năm Góc, trong đó có xe chiến đấu bộ binh Bradley, cho Ukraine và những quốc gia liên quan khác.
Chính quyền Ukraine gần đây đã đề nghị Mỹ và các đối tác châu Âu viện trợ xe tăng và xe bọc thép. Pháp và Đức đã cam kết gửi xe bọc thép tới Ukraine và Mỹ trước đó đã viện trợ kinh phí để các nước đối tác gửi xe tăng đã qua nâng cấp tới Ukraine.
Theo kế hoạch, các nước hỗ trợ cho Ukraine sẽ tham gia cuộc họp do Mỹ chủ trì tại căn cứ quân sự Ramstein ở Đức trong ngày 20/1 để thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 18/1 cho biết nội dung của cuộc họp sẽ chủ yếu tập trung vào việc tăng cường hỗ trợ những vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine. Bên cạnh đó, nội dung liên quan việc cung cấp các xe tăng Leopard do Đức sản xuất cho Ukraine được cho là một phần thảo luận trong cuộc họp.