Ba lựa chọn của Nga sau khi bị EU cấm 90% dầu

Nga có thể đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với dầu mỏ bằng nhiều cách. Tuy nhiên, các động thái của Nga sẽ có tác động tới kinh tế toàn cầu, trừ khi OPEC can thiệp.

Chú thích ảnh
Một cơ sở lọc dầu của Nga. Ảnh: The Moscow Times/TTXVN

Theo kênh CNBC, ngày 30/5, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay trong khuôn khổ gói trừng phạt thứ sáu của EU đối với Nga kể từ khi nước này đưa quân vào Ukraine.

Ông Helima Croft, trưởng nhóm chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết: “Phản ứng của Nga rõ ràng sẽ được theo dõi chặt chẽ”.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Saudia Arabia, đồng thời là nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai sau Saudia Arabia.

Ông Hossein Askari, Giáo sư tại khoa kinh doanh thuộc Đại học George Washington, cho biết: “Những gì đang diễn ra hiện nay sẽ thay đổi thương mại dầu-khí đốt tự nhiên trong tương lai. Mỹ lẽ ra nên cứng rắn hơn với các nhà sản xuất dầu OPEC để tăng sản lượng dầu”.

Sau đây là ba lựa chọn mà Nga có thể thực hiện để hóa giải lệnh cấm dầu của EU.

Tìm người mua khác

Việc Nga quản lý lượng dầu thô không thể bán cho EU như thế nào và có thể bán được bao nhiêu cho người khác sẽ ảnh hưởng đến giá dầu trên toàn cầu. Khoảng 36% lượng dầu nhập khẩu của EU là dầu của Nga.

Chú thích ảnh
Đường ống dẫn khí đốt tại nhà máy nhiệt điện Sofia Iztok ở Bulgaria, ngày 5/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Mikhail Ulyanov, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna, cho biết nước này sẽ tìm kiếm những người mua khác để bán dầu của mình.

Việc dầu Nga có tới được Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hay không có thể phụ thuộc vào việc liệu EU cuối cùng có chọn nhắm mục tiêu vào các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm hay không, và liệu Mỹ có chọn áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp theo kiểu Iran hay không.

Nga đã có hai khách hàng có khả năng mua dầu thô của mình: Trung Quốc và Ấn Độ. Các quốc gia này đã mua dầu giảm giá của Nga và các nhà theo dõi ngành dầu nói rằng hoạt động này có vẻ sẽ tiếp tục.

Trong khi Ấn Độ thường nhập khẩu rất ít dầu thô từ Nga - chỉ từ 2% đến 5% một năm, nhưng lượng mua dầu Nga của nước này đã tăng vọt trong những tháng gần đây.

Theo dữ liệu từ công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, Ấn Độ đã mua 11 triệu thùng vào tháng 3 và con số này đã tăng lên 27 triệu vào tháng 4, 21 triệu thùng vào tháng 5. Trong cả năm 2021, Ấn Độ chỉ mua 12 triệu thùng dầu Nga.

Trung Quốc đã là nước mua dầu lớn nhất của Nga nhưng lượng mua dầu của nước này cũng tăng vọt. Từ tháng 3 đến tháng 5, Trung Quốc đã mua 14,5 triệu thùng - tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cắt giảm sản lượng

Nga cũng có thể cắt giảm sản lượng và xuất khẩu dầu thô để giảm bớt tác động tài chính. Vào ngày 29/5, Phó chủ tịch công ty dầu mỏ Lukoil của Nga, Leonid Fedun, cho biết nước này nên cắt giảm sản lượng dầu lên tới 30% để đẩy giá lên cao hơn và tránh bán dầu với giá chiết khấu.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể cắt giảm xuất khẩu dầu trong mùa hè nhằm gây ra thiệt hại kinh tế tối đa cho châu Âu và thử thách quyết tâm tập thể của các quốc gia thành viên EU trong bảo vệ Ukraine.

Do lượng dầu tồn kho đang ở mức thấp đáng báo động và do công suất lọc dầu khan hiếm, nên việc Nga cắt giảm sản lượng dầu để phủ đầu có thể gây ra tác động kinh tế rất nặng nề trong mùa hè này.

Chú thích ảnh
Hệ thống khai thác khí đốt của Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Ông Edward Gardner, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics, đã viết trong một lưu ý ngày 31/5: “Đối với Nga, chúng tôi cho rằng giá cao hơn sẽ bù đắp cho Nga khi chịu tác động từ việc giảm khối lượng xuất khẩu trong năm nay”. Ông dự đoán sản lượng và xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm khoảng 20% ​​vào cuối năm nay.

Mặc dù dầu thô Urals của Nga đang giao dịch với mức chiết khấu so với các tiêu chuẩn toàn cầu, dầu này đang có giá 95 USD/thùng - vẫn cao hơn nhiều so với mức một năm trước.

Nhưng nếu sản lượng dầu của Nga giảm, các đối thủ khác có thể can thiệp để giúp kiềm chế giá. Tờ Financial Times cho rằng Saudi Arabia chuẩn bị tăng sản lượng dầu thô nếu sản lượng của Nga giảm đáng kể sau các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.

Liên minh OPEC+ mà Nga là thành viên sẽ tổ chức cuộc họp hàng tháng vào cuối ngày 2/6.

Tìm cách né trừng phạt

Theo công ty trí tuệ nhân tạo hàng hải Windward, kể từ đầu cuộc chiến Nga-Ukraine, đã có 180 lần thay đổi quyền sở hữu tàu thuyền từ các thực thể Nga sang các tàu không thuộc Nga.

Windwards cho biết những thay đổi được ghi nhận chỉ trong ba tháng đã tương đương hơn một nửa số lần thay đổi quyền sở hữu đối với các tàu của Nga trong cả năm 2021.

Theo Windward, nhiều tàu của Nga đã được bán cho các công ty có trụ sở tại Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Na Uy.

Nga có thể tiếp tục bán và vận chuyển dầu trên các con tàu được chuyển đổi quyền sở hữu này nhằm tránh bị trừng phạt.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Đức sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu Nga từ cuối năm 2022
Đức sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu Nga từ cuối năm 2022

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Thủ tướng nước này Olaf Scholz ngày 31/5 tuyên bố Đức và Ba Lan muốn chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay, bất chấp các ngoại lệ liên quan lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga mà Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN