Ba Lan hoài nghi lời kêu gọi hàn gắn quan hệ từ Belarus

Lời kêu gọi hàn gắn quan hệ giữa hai quốc gia do Tổng thống Belarus Lukashenko lên tiếng đã vấp phải phản ứng trái chiều ở Warsaw.

Chú thích ảnh
Cột mốc tại một cửa khẩu biên giới Ba Lan-Belarus đã đóng cửa. Ảnh: AFP

Theo đài RT, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski tuyên bố Belarus phải đáp ứng danh sách các yêu cầu của Ba Lan nhằm hàn gắn quan hệ với nước này. Phát ngôn này được đưa ra để đáp lại lời kêu gọi cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia, do Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko lên tiếng.

Thứ trưởng Jablonski bày tỏ sự hoài nghi đối với những tuyên bố của ông Lukashenko, cho rằng lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Belarus thực ra chỉ là "lời nói suông".

Thứ trưởng Jablonski tuyên bố Ba Lan không tìm cách duy trì quan hệ xấu với Belarus, cũng không phải là nước đứng sau tình trạng hiện tại của họ. Nếu Belarus thực sự "nghiêm túc" về việc hàn gắn quan hệ, thì cách khắc phục thực sự rất "đơn giản", nhà ngoại giao Ba Lan nói và đưa ra một danh sách các yêu cầu để Minsk đáp ứng..

Trước đó, ngày 11/8 Tổng thống Belarus, Lukashenko bày tỏ sẵn sàng hàn gắn quan hệ với EU và đặc biệt là Warsaw, mô tả người Ba Lan là "người của chúng tôi, người Slav". Nhà lãnh đạo Belarus nói rằng ông hiểu rằng Ba Lan chỉ hành động vì Mỹ và "làm trầm trọng thêm" tình hình giữa hai nước. Ông Lukashenko nói rằng ông sàng đàm phán với bất kỳ ai, đặc biệt là với Ba Lan.

Trong cuộc trò chuyện với các phóng viên tại sân bay Minsk, nhà lãnh đạo Belarus thừa nhận rằng đất nước này gần đây đã tích cực hợp tác với Nga và Trung Quốc. “Nhưng chúng ta không được quên về phương Tây công nghệ cao. Họ ở gần đây, họ là hàng xóm của chúng ta – Liên minh châu Âu. Và chúng ta không thể mất quan hệ với họ. Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc này, nhưng có tính đến lợi ích của chính chúng tôi”, ông Lukashenko nói.

Đặc biệt, Tổng thống Belarus nhấn mạnh nước này sẵn sàng có quan hệ thân thiện hơn với nước láng giềng gần nhất - Ba Lan. “Tôi đã chỉ thị cho Thủ tướng liên lạc với họ. Nếu họ muốn, hãy trao đổi, hàn gắn các mối quan hệ".

Tuy nhiên, ông Lukashenko thừa nhận rằng căng thẳng với Ba Lan khó có thể tan băng trước cuộc bầu cử quốc hội của đất nước, dự kiến ​​​​vào ngày 15/10. 

Mối quan hệ phức tạp giữa Belarus và các nước láng giềng phương Tây đã xấu đi nghiêm trọng sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Kết quả của cuộc bầu cử này bị phe đối lập phản đối và gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ. EU công khai ủng hộ những người phản đối Tổng thống Lukashenko, trong đó Ba Lan là một trong những người ủng hộ tích cực nhất..

Cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga, đồng minh chính của Belarus, và Ukraine rõ ràng đã làm tổn hại thêm mối quan hệ căng thẳng này. Ba Lan đã phản ứng giận dữ trước việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga tại Belarus, và trong những tuần gần đây, họ đã nhiều lần gióng chuông cảnh báo về các hoạt động công ty quân sự tư nhân Wagner tại Belarus.

Lực lượng của Wagner Group đã được tái triển khai tới Belarus sau cuộc nổi loạn bất thành vào cuối tháng 6. Ba Lan cho rằng cần cảnh giác với các hoạt động của nhóm này gần biên giới. Thủ tướng Mateusz Morawiecki thậm chí tuyên bố đó "chắc chắn là một bước tiến tới một cuộc tấn công hỗn hợp sắp diễn ra vào lãnh thổ Ba Lan".

Trong khi đó, Minsk đã bác bỏ những tuyên bố như vậy, Tổng thống Lukashenko nói rằng Warsaw đã "rối trí" trước những tin đồn về Wagner.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Căng thẳng leo thang, Ba Lan tính điều 10.000 binh sĩ tới biên giới với Belarus
Căng thẳng leo thang, Ba Lan tính điều 10.000 binh sĩ tới biên giới với Belarus

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết Warsaw đang lên kế hoạch điều thêm 10.000 quân tới biên giới với Belarus để hỗ trợ Lực lượng Biên phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN