Xe tăng của quân đội Azerbaijan tại khu vực biên giới Nagorno-Karabakh. Ảnh: THX/TTXVN |
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Azerbaijan nêu rõ trong các vụ đụng độ giữa lực lượng vũ trang hai nước, Armenia đã sử dụng đạn pháo chứa hóa chất như P4 nhằm vào dân thường cũng như các cơ sở dân sự ở Azerbaijan.
Một trong những quả đạn pháo như vậy đã rơi xuống cánh đồng bông ở làng Eskipara thuộc vùng Terter. Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho rằng hành động này cho thấy Armenia đã "vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ được quy định trong luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế".
Cũng theo tuyên bố, tùy viên quân sự của các đại sứ quán nước ngoài ở Azerbaijan đã ngay lập tức được thông báo về việc Armenia sử dụng loại vũ khí nói trên nhằm vào dân thường Azerbaijan. Kết quả điều tra cho thấy đạn pháo do các lực lượng vũ trang Armenia bắn sang là loại D-4 (bom khói) cỡ 122 mm, nặng 27,07 kg và chứa 3,6 kg P4.
Trước những thông tin này, phía Armenia chưa đưa ra bình luận gì.
Mối quan hệ giữa Azerbaijan và Armenia đã trở nên rạn nứt từ sau năm 1988 khi hai nước có tranh chấp chủ quyền xung quanh vùng đất Nagorny Karabakh - nơi nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia.
Đỉnh điểm của tranh chấp này là cuộc chiến kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 cùng nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, và mới nhất là thỏa thuận tương tự đạt được hôm 5/4 vừa qua do Nga làm trung gian, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Giao tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến hàng nghìn dân thường, chủ yếu là người Azerbaijan, phải lánh nạn. Đáng chú ý, chỉ riêng trong 4 ngày giao tranh hồi đầu tháng 4 đã có ít nhất 110 người thuộc cả hai bên thiệt mạng và trở thành cuộc xung đột tồi tệ nhất ở khu vực này kể từ năm 1994.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp thỏa đáng do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.
Tuy nhiên, mới đây nhất, trong khuôn khổ cuộc gặp với đại diện các nước trung gian Pháp, Nga và Mỹ tại Vienna (Áo) ngày 16/5, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Armenia Serzh Sarkisian đã nhất trí về sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn và giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại vùng lãnh thổ tranh chấp này.