Australia thiếu 3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19

Ngày 6/4, Australia thông báo nước này vẫn chưa nhận được hơn 3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mà công ty dược phẩm AstraZeneca cam kết sẽ chuyển giao trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) hạn chế xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN

Thực tế này khiến Australia hiện thiếu hụt lượng lớn vaccine cho chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai trong nước. 

Theo kế hoạch, đến cuối tháng 3 vừa qua, Australia sẽ tiêm chủng ít nhất 4 triệu liều vaccine đầu tiên. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, nước này mới chỉ có thể tiêm 670.000 liều. Hiện Australia đã ghi nhận gần 29.400 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 909 ca tử vong do COVID-19. So với nhiều nước khác, chương trình tiêm chủng của Australia đã triển khai muộn hơn. Trong bối cảnh hoạt động chuyển vaccine  AstraZeneca bị chậm lại, nước này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. 

Phần lớn trong tổng số 26 triệu dân số của Australia sẽ tiêm chủng vaccine của AstraZeneca. Theo dự kiến ban đầu, đến cuối tháng 3/2021, sẽ có 50 triệu liều vaccine được sản xuất tại Australia. Tính đến thời điểm hiện tại, có 2,5 triệu liều đã được sản xuất trong nước, trong đó có hàng nghìn liều đã vượt qua thử nghiệm và phân phối tới các cơ sở y tế. 

Theo Hội Dược phẩm Australia, cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ triển khai chương trình tiêm chủng toàn quốc từ tháng 5/2021, việc chậm trễ trong cấp phép sử dụng các loại vaccine cùng các vấn đề hậu cần trong khâu vận chuyển vaccine sẽ khiến công tác bàn giao vaccine lùi xuống tháng 6/2021. 

* Tại Ấn Độ, chính quyền nhiều bang của nước này đã đề nghị Thủ tướng Narendra Modi mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine cho hàng trăm triệu người cao tuổi ở nước này trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại nước này đang gia tăng đáng lo ngại. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 5/4, số ca nhiễm ghi nhận theo ngày tại Ấn Độ lần đầu tiên vượt con số 100.000 ca và con số này nhiều khả năng vẫn ở mức cao khi nước này công bố số liệu báo cáo mới nhất vào cuối ngày 6/4. 

Trong tháng 4 này, Ấn Độ - quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cũng đã mở rộng chương trình tiêm chủng cho người trên 45 tuổi. Đến nay, tỷ lệ người được tiêm chủng tại Ấn Độ mới chỉ đạt 1/25 người, trong khi tỷ lệ này tại Anh là gần 1/2 và tại Mỹ là 1/3. 

* Liên quan đến quyết định của Mỹ bàn giao quyền quản lý và vận hành nhà máy sản xuất vaccine Emergent BioSolutions ở Baltimore cho hãng Johnson & Johnson, cố vấn COVID-19 của Nhà Trắng Andy Slavitt cho biết quyết định này không liên quan đến những lo ngại về tính an toàn và hiệu quả của vaccine của AstraZeneca và sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng vaccine. Trước khi quyết định trên được đưa ra, cả Johnson & Johnson và AstraZeneca đều sản xuất vaccine tại nhà máy này. Nhà máy Emergent BioSolutions ở Baltimore là nơi xảy ra sự cố nhầm lẫn thành phần vaccine của Johnson & Johnson và AstraZeneca hồi tuần trước, khiến 15 triệu liều vaccine bị hỏng. 

Theo ông Slavitt, Bộ Y tế và các dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS) đã đưa ra quyết định trên có sự nhất trí của Johnson & Johnson và AstraZeneca. Hiện AstraZeneca và chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thảo luận để tìm giải pháp thay thế. Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa cấp phép sử dụng vaccine của AstraZeneca.

Lan Phương (TTXVN)
Pfizer ngưng chuyển vaccine cho Israel vì lỡ hẹn thanh toán
Pfizer ngưng chuyển vaccine cho Israel vì lỡ hẹn thanh toán

Hãng dược phẩm Pfizer đã tạm đóng băng việc chuyển giao vaccine ngừa COVID-19 cho Israel sau khi quốc gia này chưa thanh toán cho 2,5 triệu liều trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN