Phát biểu với báo giới, Giám đốc Africa CDC, John Nkengasong cho biết: "Chúng ta không thể ngồi chờ. Đây không phải là vaccine phòng bại liệt hay sởi. Chúng ta cần hành động nhanh chóng. Các nền kinh tế của chúng ta đang suy yếu, người dân đang chết dần. Không có lý do gì để không đẩy nhanh công tác chuẩn bị".
Theo ông Nkengasong, các nước thành viên cần nhanh chóng tổ chức nơi lưu trữ vaccine tại các thành phố lớn, huấn luyện cho nhân viên y tế, đảm bảo vật tư cần thiết như kim tiêm và tạo các hệ thống hiệu quả để đăng ký tiêm.
Africa CDC đặt mục tiêu tiêm phòng cho 60% người dân châu Phi trong năm 2021-2022. AU đã thông báo ý định tạo điều kiện tiêm phòng cho những nước không có đủ khả năng tài chính để chi trả các chương trình miễn dịch cộng đồng của mình. Các chính phủ sẽ có thể thỏa thuận tài chính thông qua Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu châu Phi, nơi cho phép vay trả góp trong 5 năm.
Vaccine của các hãng Pfizer, AstraZeneca và Johnson & Johnson sẽ được cung cấp cho châu Phi thông qua Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX). Ít nhất 50 triệu liều theo thỏa thuận của AU dự kiến sẽ được chuyển tới châu lục này từ tháng 4-6. Ông Nkengasong cho biết các nước có thể bắt đầu đặt vaccine thông qua một khuôn khổ của AU trong vài ngày tới.
Theo số liệu của Africa CDC, châu Phi hiện ghi nhận hơn 3,1 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, chiếm 3,5% số ca nhiễm toàn cầu và khoảng 75.000 ca tử vong, tức 2,4% số ca tử vong toàn cầu. Tuy nhiên, trong tháng 12 vừa qua, số ca nhiễm trung bình hằng tuần đã tăng 18%, trong đó mức tăng lớn được ghi nhận ở khu vực Nam và Tây Phi. Mỗi ngày, châu lục này ghi nhận khoảng 30.000 ca nhiễm mới, so với con số 18.000 ca/ngày trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất hồi đầu năm 2020.
* Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, một cụ bà 89 tuổi ở thị trấn Weyhe thuộc huyện Diepholz, bang Niedersachsen (Đức) đã tử vong sau khoảng 1 giờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, hiện chưa rõ cái chết có liên quan tới việc tiêm vaccine hay không.
Báo BZ của Berlin ngày 14/1 đưa tin sau khi được tiêm vaccine, cụ bà được các bác sĩ theo dõi trong khoảng 30 phút. Cụ vẫn nói chuyện điện thoại bình thường với người nhà, nhưng ngay sau đó cụ đã qua đời chưa rõ nguyên nhân. Lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của bà có liên quan tới việc tiêm phòng vaccine hay không.
Cũng trong ngày 14/1, giới chức y tế ở Hamburg thông báo lần đầu tiên phát hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi trong mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân ở thành phố này. Bệnh nhân là người từng đến Nam Phi, trở về Hamburg ngày 17/12/2020 và tự cách ly, sau đó 3 ngày xuất hiện các triệu chứng của người mắc COVID-19.
Như vậy, Hamburg là bang thứ 2 ở Đức ghi nhận có bệnh nhân nhiễm biến thể virus phát hiện ở Nam Phi, sau trường hợp một gia đình nhiễm bệnh ở bang Baden-Württemberg. Trước đó tại Hamburg cũng đã phát hiện trường hợp bệnh nhân nhiễm biến thể virus phát hiện ở Anh.
Trong 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận 25.164 ca nhiễm mới và 1.244 ca tử vong.