Theo Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO - ông Michael Ryan, khoảng 46 nước trên thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19, trong đó 38 nước là những quốc gia có thu nhập cao. Phát biểu trong một sự kiện truyền thông của WHO được phát sóng trực tuyến, ông Ryan nêu rõ: "Tính đến thời điểm này, có khoảng 28 triệu liều vaccine đã được sử dụng. Có 5 loại vaccine hoặc các nền tảng nghiên cứu đã được ứng dụng. Khoảng 46 quốc gia đang triển khai chiến dịch tiêm chủng, nhưng trong số đó chỉ có một quốc gia là nước có thu nhập thấp. Có nhiều người muốn có và cần có vaccine nhưng không thể nhận được nếu chúng ta không bắt đầu chia sẻ theo cách tốt hơn".
Kể từ khi bùng phát tại Trung Quốc cuối năm 2019, đến nay đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,9 triệu người, trong tổng số hơn 92,8 triệu người mắc bệnh. Ông Ryan cảnh báo về "một năm khó khăn hơn" trong bối cảnh xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được nhận định là có khả năng lây lan nhanh hơn chủng virus gốc.
Hiện Mỹ là quốc gia có nhiều người dân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhất thế giới. Tuy nhiên, số người đã được tiêm phòng vẫn ít hơn nhiều so với mục tiêu nhà chức trách nước này đặt ra là đến cuối tháng 12/2020 tiêm phòng cho 20 triệu người.
Theo số liệu chính thức được công bố ngày 13/1, hơn 10 triệu người ở Mỹ đã được tiêm liều vaccine đầu tiên ngừa COVID-19. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết trong số 29.380.125 liều vaccine của hai hãng dược phẩm Pfizer và Moderna được chuyển tới các bang của nước này, đã có 10.278.462 liều được sử dụng tiêm mũi đầu tiên. Như vậy mới chỉ có khoảng 3,1% trong tổng dân số khoảng 330 triệu người ở Mỹ được tiêm phòng mũi đầu tiên và vaccine này chưa được sử dụng cho trẻ em.
Xét tỷ lệ dân số đã được tiêm chủng, Israel đang dẫn đầu thế giới, tiếp đó lần lượt là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Anh và Mỹ.